9536_4.6.4. Vấn đề an toàn và vệ sinh trong môi trường XD

luanvantotnghiep.com

TRƯỜNG ĐẠI HỌC THỦY LỢI
KHOA CÔNG TRÌNH

BÁO CÁO THỰC TẬP

CHUYÊN NGÀNH QUẢN LÝ XÂY DỰNG VỀ VẤN ĐỀ AN TOÀN VÀ VỆ SINH MÔI TRƯỜNG TRONG XÂY DỰNG

GVHD: TS. DƯƠNG ĐỨC TIẾN
Học viên:TRƯƠNG MINH THIỆN
Lớp:21QLXD11-CS2
Chuyên ngành: Quản lý xây dựng
Mã số:138580302094

Mục Lục
Mở đầu…………………………………………………………………………………..1
Phần 1: Giới thiệu vấn đề nghiên cứu……………………………………………………2
Giới thiệu chung về công trình……………………………………………………2
Đặt vấn đề về nội dung nghiên cứu……………………………………………..3
Phần 2: Cơ sở lý luận và nội dung nghiên cứu……………………………………….3
Cơ sở lý luận về nội dung nghiên cứu………………………………………….3
Phân tích vấn đề nghiên cứu tại dự án cụ thể ……………………….4
Kết luận và kiến nghị

MỞ ĐẦU
Đất nước ta đang trong quá trình phát triển về kinh tế, xã hội, cùng với đó là sự phát triển không ngừng của ngành xây dựng, hiện nay các công trình xây dựng trên toàn quốc phát triển mạnh mẽ nên an toàn lao động trong xây dựng đang ngày càng được quan tâm. Tuy nhiên, vấn đề đảm bảo an toàn cho người lao động tại các công trình xây dựng hiện chưa được chú trọng đúng mức.
Trong thời gian gần đây đã có một số vụ tai nạn lao động xảy ra trên các công trình đang xây dựng báo hiệu một vấn đề đáng được quan tâm, tai nạn lao động đã trở thành mối lo thường trực đối với nhiều công trình xây dựng, đáng tiếc hơn việc khắc phục sự cố an toàn lao động gặp nhiều khó khăn và bài học rút ra từ đó chưa được coi trọng.
Nguyên nhân cơ bản chính là ý thức của người lao động còn thiếu hiểu biết, nhà thầu lơ là không quan tâm đến công tác an toàn lao động. Có một điều dễ nhận thấy rằng, những người bị tai nạn trong quá trình xây dựng chủ yếu là lao động tự do, không được tập huấn về an toàn lao động.
Bên cạnh ý thức của công nhân, lao động tự do còn có một phần lỗi của các chủ công trình, thầu xây dựng. Những chủ thầu thường quá tập trung vào tiến độ sản xuất nên thường thúc ép thợ của mình làm hết công suất, kể cả vào những thời điểm giờ nghỉ trưa hay ca đêm.
Ngoài ra, tình trạng thiếu thiết bị an toàn đang hiện hữu tại hầu hết các công trình xây dựng mà nguyên nhân được cho là từ nguồn kinh phí. Biện pháp bảo đảm an toàn lao động trên hồ sơ dự thầu cũng mãi chỉ trong hồ sơ, công tác tổ chức thực hiện là cả một vấn đề đối với nhà thầu thi công. Vì vậy, trách nhiệm và ý thức về an toàn lao động của các doanh nghiệp vẫn đóng vai trò hết sức quan trọng, để hạn chế được những tai nạn đáng tiếc, chủ đầu tư, các nhà thầu cũng như người lao động cần có sự ý thức, trách nhiệm, thêm vào đó, chính quyền và cơ quan chức năng cần sâu sát hơn nữa, kiểm tra, xử phạt nghiêm đối với những công trình xây dựng vi phạm về an toàn, an toàn lao động.
Công nghiệp xây dựng, mục đích đầu tiên chính là để phục vụ cuộc sống con người, bảo vệ con người, nếu mỗi chúng ta coi “an toàn là trên hết” thì công cuộc lao động và xây dựng mới hoàn thành tốt đẹp theo đúng nghĩa cao cả của ngành: “xây dựng cuộc sống con người”.

PHẦN 1: GIỚI THIỆU VỀ VẤN ĐỀ AN TOÀN VÀ VỆ SINH MÔI TRƯỜNG TRONG XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH

GIỚI THIỆU CHUNG VỀ CÔNG TRÌNH
Công trình: Keangnam Hà Nội Landmark Tower.
Địa chỉ: E6 Phạm Hùng, Khu đô thị mới Cầu Giấy, Hà Nội, Việt Nam.
Tồng diện tích: 46.056m2.
Hạng mục dự án: Khu căn hộ cao cấp, Khu văn phòng hạng A, Khách sạn 5 sao, Căn hộ dịch vụ, Trung tâm thương mại.
Quy mô xây dựng: Tòa tháp thương mại (2 tầng hầm và 70 tầng), Các tòa tháp căn hộ (2 tầng hầm và 48 tầng).
Chủ đầu tư: Công ty TNHH một thành viên Keangnam Vina.
Nhà thầu chính là Công ty Keangnam Enterprises LTD, Viện Khoa học công nghệ xây dựng Việt Nam – IBST là đơn vị tư vấn giám sát, 24 nhà thầu phụ (Công ty Cổ phần xây dựng số 1 (Cofico), Công ty Cổ phần xây dựng số 1 Hà Nội (HACC1), Công ty Seoyong (Hàn Quốc), Công ty cổ phần xây dựng và kinh doanh địa ốc Hoà Bình…) có hợp đồng kinh tế trực tiếp với nhà thầu chính và khoảng 50 nhà thầu khác, ký hợp đồng thi công, cung cấp nguyên vật liệu, dịch vụ khác với các nhà thầu phụ.
ĐẶT VẤN ĐỀ VỀ NỘI DUNG NGHIÊN CỨU
Xây dựng là một trong những ngành công nghiệp lớn trên thế giới có họat động bao trùm hầu hết các lĩnh vực khác . Mặc dù đã được cơ khí hóa, ngành xây dựng cũng là ngành sử dụng nhiều lao động, chiếm từ 9 – 12%, có khi tới 20% lực lượng lao động của mỗi quốc gia.
Do đặc thù của ngành xây dựng cũng như rất nhiều lý do khách quan cũng như chủ quan khác, ngành xây dựng có tỷ lệ tai nạn cao hơn nhiều so với các ngành khác. Thế nhưng, việc chấp hành các quy tắc bảo hộ lao động lại không được nhiều công ty xây dựng thực hiện đầy đủ.
Vì vậy, Công tác vệ sinh, an toàn lao động là một trong những tiêu chí rất quan trọng và tiên quyết trong hoạt động của các công ty xây dựng, an toàn lao động còn ảnh hưởng đến thương hiệu và uy tín của công ty.

PHẦN 2: CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ NỘI DUNG NGHIÊN CỨU
CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ NỘI DUNG NGHIÊN CỨU
Keangnam không bố trí cán bộ chuyên trách làm công tác an toàn lao động hoặc có bố trí nhưng chỉ là danh nghĩa, hình thức; không trang bị đồng bộ thiết bị đảm bảo an toàn cũng như giáo dục ý thức chấp hành kỷ luật lao động trên công trường.
Về phía nhà thầu chính là Công ty trách nhiệm hữu hạn Keangnam Enterpries (Hàn Quốc) chưa tiếp cận đầy đủ các quy định của pháp luật Việt Nam về an toàn lao động như không lập và phê duyệt biện pháp đảm bảo an toàn chung cho công trình, thiếu phối hợp với đơn vị tư vấn giám sát để kiểm soát an toàn lao động. Bộ máy chuyên trách an toàn của nhà thầu chính chưa đủ để giám sát 25 đầu công việc, không kiểm soát được chất lượng lao động.
Nhà thầu chính không thực hiện báo cáo định kỳ về tai nạn lao động cho cơ quan chức năng. Những cán bộ được cử giám sát công trình chưa có đủ chứng chỉ hành nghề, chưa kịp thời phát hiện một số thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn không có phiếu kết quả kiểm định.
Qua kiểm tra có tới 12/42 thiết bị thi công chưa có phiếu kết quả kiểm định. Cán bộ tư vấn giám sát thiếu kiểm tra yêu cầu các nhà thầu trang bị đủ phương tiện bảo vệ cho người lao động. Đa số các nhà thầu không trang bị đủ phương tiện bảo vệ cá nhân cho lao động.
Các nhà thầu phụ có chưa báo cáo định kỳ tai nạn lao động với sở lao động thương binh xã hội, không lập sổ thống kê tai nạn lao động. Quy trình xử lý các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng chưa được thực hiện theo đúng quy định.

PHÂN TÍCH VẤN ĐỀ AN TOÀN VÀ VỆ SINH MÔI TRƯỜNG TẠI DỰ ÁN KEANGNAM
Mỗi ngày có khoảng 3.500 lao động làm việc 3 ca, trong đó có 198 người nước ngoài (chủ yếu là người Hàn Quốc) và 3.300 người Việt Nam. Tình trạng tuyển, sử dụng lao động ở các địa phương chưa có nghề là khá phổ biến nên người lao động hạn chế về trình độ, kinh nghiệm. Khả năng thích nghi của lao động Việt Nam với điều kiện tổ chức thi công công trình do người nước ngoài quản lý, điều hành cũng kém do bất đồng về ngôn ngữ. Đây là một nguy cơ tiềm ẩn gây các tai nạn lao động tại công trình này.
Từ tháng 7/2009 tới tháng 2/2010, tại công trình này đã liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng làm 6 người chết và 3 người bị thương
Đa số các nhà thầu không trang bị đủ phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động. Các nhà thầu (có trụ sở, chi nhánh đóng tại Hà Nội) chưa báo cáo định kỳ tai nạn lao động với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Hà Nội, không lập sổ thống kê tai nạn lao động. Quy trình xử lý các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng chưa được thực hiện đúng theo quy định…
Đơn vị tư vấn giám sát IBST cũng bị phát hiện nhiều sai phạm như số cán bộ được cử giám sát công trình chưa có đủ chứng chỉ hành nghề, chưa kịp thời phát hiện một số thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn không có phiếu kết quả kiểm định.
Có tới 12/42 thiết bị chưa có phiếu kết quả kiểm định. Cả 42 thiết bị này đều chưa được đăng ký với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội. Cán bộ tư vấn giám sát thiếu kiểm tra, yêu cầu các nhà thầu trang bị đủ phương tiện bảo vệ cho người lao động.
Về chủ đầu tư, nhà thầu không thực hiện việc ký hợp đồng khoán trắng khối lượng phần nhân công đối với nhóm, tổ thợ lao động tự do mà không có sự giám sát tổ chức thi công.
Một số hình ảnh về công trình:

KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ
I. KẾT LUẬN:
– Quá trình xây dựng diễn ra mạnh mẽ trong thời kỳ hiện nay, cùng với nó là vấn đề an toàn lao động cho lĩnh vực này. Số vụ tai nạn lao động xảy ra trong lĩnh vực xây dựng chiếm tỉ trọng khá cao trong tổng số các vụ tai nạn lao động nói chung (51,11%).
– Chuyên đề đã đề cập đến các cơ sở lí thuyết về an toàn lao động và môi trường trong xây dựng. Trong đó các nội dung chính mà chúng ta cần quan tâm để làm cơ sở cho vấn đề thực hiện an toàn lao động cho các công trình hiện nay là:
+ Quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan trong quản lí an toàn lao động và môi trường xây dựng
+ Kế hoạch quản lí an toàn lao động và môi trường xây dựng
+ Các biện pháp kiểm soát, đảm bảo an toàn lao động và môi trường xây dựng
– Ví dụ điển hình cho thực hiện an toàn lao động và chấp hành các quy định của cơ quan nhà nước, cơ quan quản lí trong lĩnh vực xây dựng, chuyên đề đề cập tới công trình: Keangnam Hà Nội Land Mark Tower. Đây là công trình nổi bật được nhiều chú ý không những về quy mô, tầng cao của nó mà còn về số vụ tai nạn lao động xả ra trong quá trình thi công xây dựng công trình này
– Qua đó cho thấy quá trình quản lí của chúng ta còn lỏng lẻo, việc thực hiện an toàn lao dộng trên các công trường còn chưa tuân thủ nghiêm ngặt, ý thức và hiểu biết của công nhân còn nhiều hạn chế cần được đào tạo, hướng dẫn kĩ lưỡng trước khi cho tham gia vào quá trình thi công xây dựng công trình.

II. KIẾN NGHỊ
– Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của Nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động ở tất cả các công trình xây dựng, đặc biệt là tại các công trình xây dựng nhỏ, công trình trọng điểm sử dụng nhiều lao động thời vụ; lắp đặt, sửa chữa điện. Chú ý thanh tra, kiểm tra chuyên đề về công tác thống kê, báo cáo TNLĐ. Kiên quyết xử lý nghiêm minh, kịp thời đối với các hành vi vi phạm luật pháp lao động theo quy định tại Nghị định số 113/2004/NĐ-CP ngày 16/4/2004 của Chính phủ;
– Người sử dụng lao động phải thường xuyên đánh giá nguy cơ gây TNLĐ, bệnh nghề nghiệp liên quan đến môi trường làm việc, công cụ máy móc, thiết bị, các chất và tác nhân hóa học, vật lý và sinh học để đưa ra các biện pháp phòng ngừa, loại bỏ các nguy cơ tại nơi làm việc, cải thiện điều kiện làm việc để đảm bảo cho người lao động được làm việc trong môi trường an toàn. Phải coi việc đánh giá nguy cơ gây TNLĐ, bệnh nghề nghiệp là công việc không thể tách rời trong các hoạt động kinh doanh, sản xuất của mình. Tổ chức huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động đầy đủ cho người lao động theo quy định và tuyên truyền, giáo dục cho người lao động tự giác chấp hành các quy định về an toàn, vệ sinh lao động, tạo điều kiện cho người lao động được tham gia vào tất cả các giải pháp cải thiện điều kiện lao động. Đặc biệt chú ý đối với những người lao động làm các công việc nặng nhọc, nguy hiểm, độc hại hoặc tiếp xúc với những đối tượng có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, vệ sinh lao động;
– Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để tiến hành điều tra kịp thời, chính xác các nguyên nhân gây ra TNLĐ chết người trong các thành phần kinh tế. Xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân thiếu tinh thần trách nhiệm, vi phạm các quy định về an toàn, vệ sinh lao động và kiên quyết đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự các cá nhân liên quan nếu có những vi phạm pháp luật lao động để xảy ra TNLĐ chết người nghiêm trọng;
– Hầu hết các công trình xây dựng hiện nay chưa lập kế hoạch quản lí an toàn trong các khâu, vì vậy chúng ta phải áp dụng bước này trong từng dự án xây dựng.

LỜI CẢM ƠN

Qua thời gian học tập tại trường và chuyến thực tập Miền Tây với sự chỉ dẫn nhiệt tình của Thầy Dương Đức Tiến đã giúp lớp CH21QLXD11 chúng em thêm gắn kết hơn và qua đó giúp em hiểu rõ phần nào về các công việc thực tế tại các công trường xây dựng. Do thời gian thực tập và làm báo cáo ngắn nên không tránh khỏi sai lầm và thiếu xót mong Thầy xem xét bỏ qua. Em xin chân thành cảm ơn và chúc sức khỏe đến Thầy cùng Gia đình!

Đánh giá post

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *