VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI
NGUYỄN THỊ HẠ
QUỐC TẾ HÓA ĐỒNG NHÂN DÂN TỆ SAU ĐẠI HỘI 18
ĐẢNG CỘNG SẢN TRUNG QUỐC
LUẬN VĂN THẠC SĨ KINH TẾ QUỐC TẾ
HÀ NỘI, năm 2018
HÀ NỘI – năm
VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI
NGUYỄN THỊ HẠ
QUỐC TẾ HÓA ĐỒNG NHÂN DÂN TỆ SAU ĐẠI HỘI 18
ĐẢNG CỘNG SẢN TRUNG QUỐC
Ngành: Kinh tế quốc tế.
Mã số: 8310106
NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC
TS. HÀ THỊ HỒNG VÂN
HÀ NỘI, năm 2018
LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan rằng số liệu và kết quả nghiên cứu trong Luận văn này là
hoàn toàn trung thực, chưa từng ai sử dụng để công bố trong bất kỳ công trình nào
khác. Các thông tin, tài liệu trích dẫn trong Luận văn được ghi rõ nguồn gốc.
Hà Nội, tháng 8 năm 2018
Tác giả luận văn
Nguyễn Thị Hạ
LỜI CẢM ƠN
Tôi xin chân thành cảm ơn Học viện Khoa học Xã hội đã tạo điều kiện thuận
lợi cho tôi hoàn thành khóa học cao học ngành Kinh tế Quốc tế, khoa Quốc tế học.
Tôi xin gửi lời cảm ơn sâu sắc tới Cô hướng dẫn về định hướng khoa học, sự
quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi trong suốt quá trình nghiên cứu và hoàn thành cuốn
Luận văn này.
Tác giả Luận văn cũng xin chân thành cám ơn các nhà khoa học, tác giả các
công trình công bố đã trích dẫn trong Luận văn vì đã cung cấp nguồn tư liệu quý báu,
những kiến thức liên quan để tác giả tham khảo trong quá trình hoàn thành Luận văn.
Cuối cùng là lời cám ơn chân thành đến cơ quan, các thầy cô, đồng
nghiệp, gia đình tôi và người chồng yêu thương đã luôn động viên, ủng hộ và
chia sẻ các ý kiến khoa học để Luận văn được hoàn thiện hơn.
Hà Nội, tháng 8 năm 2018
Tác giả luận văn
Nguyễn Thị Hạ
DANH MỤC CÁC TỪ VIẾT TẮT
1. Danh mục cụm từ viết tắt tiếng Việt
Viết tắt
Nghĩa tiếng Việt
NDT/RMB/CNY
Đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc
NHTW
Ngân hàng Trung ương
NHNN
Ngân hàng Nhà nước
QTH
Quốc tế hóa
TTCK
Thị trường chứng khoán
2. Danh mục cụm từ viết tắt tiếng Anh
Viết tắt
Nghĩa tiếng Anh
Nghĩa tiếng Việt
AIIB
Asian
Infrastructure
Investment Bank
Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng Châu Á
ASEAN Association of South-East
Asian Nations
Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á
BRI
Belt and Road Initiative
Sáng kiến “Vành đai và Con đường”
CBN
Central Bank of Nigeria
Ngân hàng Trung ương Nigeria
CIPS
China International
Payments System
Hệ thống thanh toán quốc tế Trung Quốc
EU
European Union
Liên minh Châu Âu
ECB
European Central Bank
Ngân hàng Trung ương châu Âu
FDI Foreign Direct Investment
Đầu tư trực tiếp nước ngoài
FII
Foreign Indirect Investment Đầu tư gián tiếp nước ngoài
IMF
International
Monetary
Fund
Quỹ Tiền tệ Quốc tế
ODI
Overseas Direct Investment Đầu tư trực tiếp ra nước ngoài
ODA
Official Development
Assistance
Viện trợ phát triển chính thức
RII
RMB
Internationalization
Index
Chỉ số Quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ
SWIFT Society for Worldwide
Interbank Financial
Telecommunication
Hiệp hội viễn thông liên ngân hàng và tài
chính quốc tế (Đây là một hiệp hội của các
ngân hàng và các tổ chức tài chính. SWIFT
giúp các ngân hàng trên thế giới là thành
viên của SWIFT chuyển tiền cho nhau hoặc
trao đổi thông tin.
SWAP
Hoán đổi (tiền tệ). Thỏa thuận hoán đổi tiền
tệ cho phép các bên tham gia có thể đồng
thời bán một số lượng đồng tiền của nước
mình và mua về một số lượng đồng tiền của
nước đối tác. Các chi tiết về lãi suất, tỷ giá,
kỳ hạn thực hiện giao dịch được quy định cụ
thể trong thỏa thuận hoán đổi tiền tệ
SDR
Special Drawing Right
Quyền rút vốn đặc biệt
PBoC
People’s Bank of China
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc
AUD
Australian dollar
Đô la Úc
CAD
Canadian dollar
Đô la Canada
GBP
Great Britain Pounds
Đồng Bảng Anh
GDP
Gross Domestic Products
Tổng sản phẩm quốc nội
JPY
Japanese Yen
Đồng Yên Nhật
MỤC LỤC
DANH MỤC CÁC TỪ VIẾT TẮT
DANH MỤC CÁC BẢNG BIỂU
MỞ ĐẦU ……………………………………………………………………………………………………..
1
1. Lý do lựa chọn đề tài ………………………………………………………………………………….
1
2. Tổng quan vấn đề nghiên cứu
………………………………………………………………………
2
3. Mục tiêu, Đối tượng, phạm vi nghiên cứu
……………………………………………………..
5
4. Hướng tiếp cận và Phương pháp nghiên cứu
………………………………………………….
6
5. Dự kiến những đóng góp mới ………………………………………………………………………
7
6. Kết cấu của đề tài
……………………………………………………………………………………….
7
Chương 1: TỔNG QUAN VỀ CHIẾN LƯỢC QUỐC TẾ HÓA NHÂN DÂN TỆ
CỦA TRUNG QUỐC …………………………………………………………………………………..
8
1.1 Cơ sở lý luận về quốc tế hóa một đồng tiền………………………………………………….
8
1.2 Những nhân tố thúc đẩy Trung Quốc thực hiện QTH đồng NDT
………………….
11
1.3. Nội dung của chiến lược quốc tế hóa NDT ……………………………………………….
16
Chương 2: THỰC TIỄN QUỐC TẾ HÓA ĐỒNG NHÂN DÂN TỆ SAU ĐẠI
HỘI 18 ĐẢNG CỘNG SẢN TRUNG QUỐC ………………………………………………
26
2.1 Sử dụng và thanh toán NDT trong các giao dịch thương mại quốc tế ……………
26
2.2. Sử dụng NDT trong các hoạt động đầu tư và tài chính quốc tế.
……………………
36
2.3. NDT chính thức trở thành đồng tiền dự trữ toàn cầu và đang ngày càng được
công nhận trên trường quốc tế. ………………………………………………………………………
39
2.4 Chỉ số Quốc tế hóa đồng NDT và tình hình tự do hóa tài khoản vốn của Trung
Quốc. ………………………………………………………………………………………………………….
43
Chương 3: TRIỂN VỌNG CỦA TIẾN TRÌNH QUỐC TẾ HÓA NHÂN DÂN
TỆ VÀ TÁC ĐỘNG ĐẾN VIỆT NAM ………………………………………………………..
50
3.1 Những vấn đề còn tồn tại và thách thức trong quá trình quốc tế hóa NDT……………
50
3.2 Triển vọng của tiến trình quốc tế hóa NDT ………………………………………………..
56
3.3 Tác động của tiến trình quốc tế hóa NDT đến Việt Nam ……………………………..
58
3.4 Một số gợi mở với Việt Nam
……………………………………………………………………
67
KẾT LUẬN
………………………………………………………………………………………………..
73
TÀI LIỆU THAM KHẢO …………………………………………………………………………..
75
DANH MỤC CÁC BẢNG BIỂU
Bảng 2.1: Thỏa thuận hoán đổi tiền tệ của Trung Quốc và các đối tác ………………..
35
Bảng 2.2: Chỉ số quốc tế hóa của các đồng tiền quốc tế chủ yếu hiện nay …………..
45
Bảng 3.1: Dự trữ ngoại tệ thế giới năm 2017 và Quý I/2018 ……………………………..
56
Hình 2.1: Thanh toán thương mại qua biên giới của Trung Quốc bằng đồng NDT
trong những năm gần đây (2012- 2017) ………………………………………………………….
27
Hình 2.2: NDT với vai trò đồng tiền thanh toán quốc tế theo giá trị
……………………
28
(ở thời điểm tháng 1/2013 và tháng 9/2014)…………………………………………………….
28
Hình 2.3: NDT với vai trò đồng tiền thanh toán quốc tế theo giá trị
……………………
29
(tháng 8/2015)
……………………………………………………………………………………………..
29
Hình 2.4: Thanh toán bằng NDT trong thương mại quốc tế (2014-2016)
…………….
30
Hình 2.5: Cơ cấu giỏ tiền tệ SDR trước và sau khi đồng NDT tham gia ……………..
41
Biểu đồ 2.1: Chỉ số Quốc tế hóa đồng NDT (2014-2016)
………………………………….
44
1
MỞ ĐẦU
1. Lý do lựa chọn đề tài
Quốc tế hóa (QTH) đồng Nhân dân tệ (NDT) là chủ đề được bàn luận nhiều
trong thập niên gần đây. Trong 10 năm qua, cùng với việc trở thành nền kinh tế lớn
thứ hai thế giới, Trung Quốc đã đạt được những bước tiến quan trọng trong nỗ lực
quốc tế hóa đồng NDT. Dấu mốc đáng chú ý cho những nỗ lực này là việc Quỹ Tiền
tệ Quốc tế (IMF) ngày 1/10/2016 chính thức cho phép đồng Nhân dân tệ tham gia giỏ
đồng tiền dự trữ quốc tế (gọi tắt là SDR) cùng các đồng tiền mạnh như USD, Euro,
Yen và Bảng Anh. Trong gần một thập kỷ qua, đồng NDT đã từng bước được khu
vực hóa (trong nội bộ châu Á) và bắt đầu hướng tới quốc tế hóa. Đối với chức năng là
phương tiện trao đổi, NDT đã được sử dụng trong khu vực công và cả khu vực tư
nhân tại nhiều nước châu Á, châu Phi (NDT là đồng tiền hạch toán trong thanh toán
thương mại; cho vay ngân hàng, tài trợ ODA cho nhiều nước như: Việt Nam, Lào,
Campuchia, Myanma và nhiều quốc gia châu Phi…), NDT cũng được sử dụng để
phát hành trái phiếu và được lưu chuyển ở một vài nước. Đến cuối năm 2014, NDT
đã vượt đồng Euro trở thành đồng tiền được sử dụng nhiều thứ hai trong tài chính,
thương mại toàn cầu. Trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng gia tăng về vị thế kinh tế
– chính trị, luồng thương mại – đầu tư, vốn và lao động, cùng với tham vọng quốc tế
hóa đồng NDT, thì mức độ khu vực hóa, quốc tế hóa đồng tiền này chắc chắn sẽ ngày
càng tăng, đặc biệt là sau khi nước này tự do hóa hoàn toàn các giao dịch trên cán cân
vốn. Hơn nữa, cùng với việc tham gia ngày càng nhiều và hội nhập ngày càng sâu
rộng hơn vào nền kinh tế toàn cầu, không ngừng nỗ lực để nâng cao uy tín của mình
trong hệ thống tiền tệ quốc tế, thúc đẩy hợp tác tài chính, sử dụng NDT để đầu tư trái
phiếu của Trung Quốc và khuyến khích thanh toán thương mại song phương bằng
NDT, Chính phủ nước này cũng thông qua các định chế tài chính mới như ngân hàng
Đầu tư cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB), ngân hàng phát triển mới (NDB) và sáng kiến
“Vành đai và Con đường” (BRI) như một chương trình hợp tác tổng thể để thúc đẩy quá
trình quốc tế hóa NDT. Việc xây dựng các dự án thuộc “Vành đai và con đường” sẽ tạo
ra nhu cầu lớn cho đồng nhân dân tệ và sẽ làm tăng việc sử dụng đồng NDT ở các nước
dọc theo tuyến đường BRI. Do đó, khả năng quốc tế hóa đồng tiền này chắc chắn sẽ
ngày càng tăng.
2
Lịch sử kinh tế cho thấy, với các cấp độ khác nhau, việc quốc tế hóa một đồng
tiền của một quốc gia (bản tệ) không những có ảnh hưởng tới chính sách tiền tệ của
nước đó mà còn có tác động tới việc hoạch định, thực thi chính sách tiền tệ, cơ chế
truyền tải chính sách tiền tệ và hoạt động của hệ thống tài chính cũng như nền kinh tế
của nước có mối quan hệ kinh tế chặt chẽ với nước bản tệ [9, trg 2-3]. Việt Nam
không nằm ngoài phạm vi ảnh hưởng này, vì là nước láng giềng gần gũi với Trung
Quốc và nằm trong chiến lược khu vực hóa đồng NDT. Bên cạnh đó, Trung Quốc là
đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, những tác động của chiến lược này là rất
lớn đối với kinh tế Việt Nam cũng như thương mại Việt – Trung.
Chính vì vậy, việc nghiên cứu khả năng quốc tế hóa (QTH) đồng nhân dân tệ
của Trung Quốc, những bước tiến của quá trình này trong những năm gần đây – kể từ
sau Đại hội 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc (2012) đến nay, triển vọng và tác động
đến Việt Nam nói chung là rất cần thiết.
2. Tổng quan vấn đề nghiên cứu
2.1. Tình hình nghiên cứu đề tài ở trong nước:
Việc Trung Quốc đẩy mạnh tiến trình quốc tế hóa NDT trong thời gian gần đây đã
thu hút được sự quan tâm đặc biệt của học giả quốc tế cũng như học giả trong nước
bởi tính thời sự cũng như ảnh hưởng sâu rộng của nó.
Ở Việt Nam, có khá nhiều công trình nghiên cứu về vấn đề quốc tế hóa NDT và
bước đầu đánh giá một số tác động của nó đối với kinh tế Việt Nam trong thời gian
gần đây. Tuy nhiên chưa có một công trình nào lớn nghiên cứu tổng thể, đầy đủ, bao
gồm cả cơ sở lý luận cũng như tình hình thực tiễn của QTH NDT và đánh giá tác
động của nó trên tất cả các phương diện, mà chủ yếu là các bài báo khái quát chung
về vấn đề và đánh giá tác động của nó trên một vài phương diện như an ninh tài
chính, quan hệ thương mại Việt- Trung… Có thể kể đến một vài bài tiêu biểu như: Lê
Xuân Sang (2012) “Trung Quốc quốc tế hóa đồng nhân dân tệ và vấn đề chính sách
tiền tệ lạm phát mục tiêu ở Việt Nam”. Bài viết tóm tắt quá trình và mức độ QTH
NDT từ khi bắt đầu (năm 2002) đến năm 2013, bên cạnh đó tóm lược các vấn đề cơ
bản về chính sách tiền tệ lạm phát mục tiêu và đánh giá ngắn gọn khả năng thực hiện
chính sách tiền tệ lạm phát mục tiêu ở Việt Nam và các tác động có thể của QTH
NDT đối với chính sách tiền tệ của Việt Nam trong thời gian sau đó;
3
Nguyễn Văn Lịch (2014) với “Thỏa thuận hoán đổi tiền tệ: Lộ trình quốc tế hóa
đồng nhân dân tệ”. Bài viết này tập trung phân tích các thỏa thuận hoán đổi tiền tệ
của Trung Quốc với nhiều nền kinh tế ở các châu lục trên thế giới, những lợi ích từ
việc hoán đổi tiền tệ. Việc ký kết các thỏa thuận hoán đổi tiền tệ với các quốc gia
khác giữ một vai trò quan trọng trong lộ trình Quốc tế hóa NDT của Trung Quốc. Do
vậy, bài viết cũng phần nào cho thấy những thành công bước đầu trên lộ trình QTH
đồng tệ của nước này cho đến năm 2014.
Đáng chú ý là bài viết của Nguyễn Minh Khôi (2015) trong “Toàn cảnh chính
sách quốc tế hóa đồng NDT của Trung Quốc và tác động đến Việt Nam”, Quản lý
kinh tế số 65. Bài viết đã cập nhật các nội dung xoay quanh chính sách QTH đồng
NDT của Trung Quốc, gồm những nguyên nhân thúc đẩy Trung Quốc thực hiện chiến
lược quốc tế hóa đồng NDT, những thuận lợi và khó khăn trong việc thực hiện chính
sách này. Đồng thời, bài viết cũng phân tích một số tác động và đưa ra một vài gợi
mở đối với Việt Nam. Tuy nhiên, mức độ phân tích cũng mới ở mức độ tóm tắt một
số nét chính trong phạm vi một bài báo và chưa sâu.
Ngoài ra, có thể kể đến một vài công trình khác như: Trần Kim Anh (2017)
“Quan hệ thương mại Việt Nam- Trung Quốc trong bối cảnh quốc tế hóa đồng NDT”.
Nguyễn Trường Giang (2016) “Một số quan điểm của EU về quốc tế hóa đồng NDT
của Trung Quốc”. Nguyễn Thị Hoàng Anh và Lương Thị Thu Hà (2012) “Cán cân
thương mại Việt Nam- Trung Quốc trong bối cảnh quốc tế hóa Nhân dân tệ”. Trần
Thị Vân Anh (2013), Chiến lược Quốc tế hóa NDT của Trung Quốc và tác động đến
Việt Nam. Lê Xuân Sang (2012) “Quốc tế hóa NDT, bất ổn tài chính toàn cầu và tác
động đối với an ninh tài chính Việt Nam: Lý luận, thực tiễn và các vấn đề đặt ra”. Võ
Trí Thành, Lê Xuân Sang (2014) “Bảo đảm an ninh tài chính Việt Nam trong bối
cảnh Trung Quốc quốc tế hóa đồng NDT và biến động tài chính toàn cầu”. Cao Thị Ý
Nhi (2015) “Quốc tế hóa NDT đối với an ninh tài chính Việt Nam”…Các công trình
này đều mới chỉ đề cập đến một phần khái quát về vấn đề và đánh giá tác động của nó
trên một vài phương diện như an ninh tài chính, quan hệ thương mại Việt- Trung,
chưa hệ thống lại các vấn đề lý thuyết liên quan đến quốc tế hóa một đồng tiền và
chưa cập nhật được tình hình QTH NDT cho đến thời điểm hiện tại, cũng như chưa
có những đánh giá chi tiết tổng thể về tác động của tiến trình này đến Việt Nam, để từ
đó đưa ra được những gợi mở thiết thực cụ thể cho Việt Nam.
4
2.2. Tình hình nghiên cứu đề tài ở nước ngoài:
Ở Trung Quốc và phương Tây, chủ đề này thu hút được rất nhiều học giả quan
tâm, và có nhiều bài viết, công trình nghiên cứu bàn về quốc tế hóa NDT như:
Eichengreen and Kawai- Asean Development Bank Institute (2014) “Issues for
Renminbi Internationalization: An Overview”. Công trình của Eichengreen và Kawai
đưa ra một cái nhìn tổng quan về vấn đề QTH NDT, xem xét hiện trạng của quá trình
này và cho thấy nhiều tiến triển đạt được trong việc thanh toán thương mại bằng NDT
và phát hành trái phiếu bằng NDT ở Hồng Kong, Trung Quốc, nhưng cũng chỉ ra
những hạn chế của quá trình này trong việc kiểm soát tài khoản vốn và nêu ra những
hàm ý của việc QTH NDT với hệ thống tiền tệ quốc tế. Caroline Owen (2017) trong
“RMB Internationalization update” khái quát về các công cụ quốc tế hóa đồng NDT,
tình hình sử dụng NDT trong thanh toán, quản lý tiền mặt, tài trợ và đầu tư.
Barry Eichengreen, George C. Pardee và Masahiro Kawai (2015) trong
“Renminbi Internationalization: Achievements, prospects, and challenges” đã nêu bật
những hàm ý của chiến lược tự do hóa của Trung Quốc: trong một vài năm tới, nước
này sẽ có một tài khoản vốn mở hơn, nhưng với sự kiểm soát nhất định của nhà nước.
Tuy nhiên, nếu thiếu những cải cách cần thiết trong thị trường tài chính nội địa, khả
năng đồng NDT được sử dụng rộng rãi trong các giao dịch quốc tế và theo đó khả
năng được chấp nhận rộng rãi làm đồng tiền dự trữ toàn cầu, thách thức vị thế đồng
tiền dự trữ hàng đầu của đồng Đô la Mỹ sẽ rất hạn chế. Các tác giả của cuốn sách
cũng biện luận rằng, cộng đồng thế giới- đặc biệt là khu vực Châu Á- sẽ có lợi ích
nếu quá trình QTH đồng NDT diễn ra suôn sẻ và thành công. QTH đồng NDT có thể
góp phần làm tái cân bằng nền kinh tế Trung Quốc, điều này có lợi cho kinh tế thế
giới [35, tr.1].
Ngoài ra, nhiều công trình khác có thể kể đến như: Yin-Wong Cheung
(2014), The Role of Offshore Financial Centers in the Process of Renminbi
Internationalization (Vai trò của các Trung tâm Tài chính nước ngoài trong Quá trình
Quốc tế hóa NDT) ; Liqing Zhang và Kunyu Tao (2014), The Benefits and Costs of
Renminbi Internationalization (Lợi ích và Chi phí của Quốc tế hóa NDT); Gao,
Haihong và Yongding Yu (2009), Internationalization of the Renminbi (Quốc tế hóa
NDT), Kỷ yếu hội thảo Ngân hàng Hàn Quốc- BIS Seminar, Seoul; Nargiza
Salidjanova (2014), The RMB’s Long Road to Internationalization (Con đường dài
5
để tiến tới Quốc tế hóa của đồng NDT); He Chun-lian (2012), The Opportunities from the
Internationalization of Renminbi and the Countermeasures (Các cơ hội từ Quốc tế hóa
NDT và các biện pháp đối phó); Ren Chuandong (2010), On the Periphery and the
Regionalization of the RMB (Khu vực hóa đồng NDT); Zhou Youman (2013), Thoughts
of RMB Exchange Rate Reform from the Aspect of RMB Internationalization (Suy nghĩ
về cải cách Tỷ giá NDT từ bối cảnh quốc tế hóa NDT)…
Đặc biệt, tại Trung Quốc, có rất nhiều báo cáo nghiên cứu và các báo cáo định
kỳ, thường niên cập nhật về tiến trình QTH NDT của các cơ quan, tổ chức thuộc
nước này hoặc các tổ chức quốc tế. Đây là nguồn tài liệu tham khảo hữu ích cho đề
tài. Điển hình như: 英国国际贸易部和中国外汇交易中心, 走向世界 2017 人民币
国际化的趋势和启示; International Monetary Institute- Renmin University of China
(2017), Internationalization Progress and Outlook of RMB (Tiến trình và Triển vọng
của Quốc tế hóa NDT); International Monetary Institute- Renmin University of China
(2017) RMB Internationalization Report 2017; 国家金融与发展实验室 (National
Institution for Finance and Development of China) (2017), Is RMB a truly international
currency? SWIFT, 人民币追踪 2017 年7 月 (Theo dõi tình hình NDT tháng
7/2017)…
Bên cạnh những công trình nêu trên, trên các tạp chí, trang web, báo mạng của
Trung Quốc, Việt Nam và các quốc gia khác cũng có nhiều bài viết đề cập đến vấn đề
quốc tế hóa NDT của Trung Quốc, đó đều là những tư liệu rất hữu ích để đề tài tham
khảo trong quá trình nghiên cứu.
3. Mục tiêu, Đối tượng, phạm vi nghiên cứu
3.1. Mục tiêu:
Mục tiêu tổng quát
Phân tích nội dung của chiến lược quốc tế hóa NDT của Trung Quốc, những
tiến triển đã đạt được từ sau Đại hội 18 Đảng cộng sản Trung Quốc đến nay, tồn
tại và triển vọng. Đánh giá ảnh hưởng, tác động của nó đối với sự phát triển kinh
tế Việt Nam.
Mục tiêu cụ thể
+ Phân tích mục tiêu, nội dung và các biện pháp Trung Quốc đã triển khai để thực
hiện chiến lược QTH đồng NDT.
6
+ Những tiến triển của quá trình quốc tế hóa NDT từ năm 2012 đến nay, tồn tại và
triển vọng của việc thực hiện tiến trình này.
+ Đánh giá tác động của nó đối với kinh tế Việt Nam và quan hệ thương mại Việt
Nam- Trung Quốc. Một số gợi mở với Việt Nam.
3.2. Đối tượng nghiên cứu:
Quốc tế hóa đồng NDT của Trung Quốc.
3.3. Phạm vi nghiên cứu:
Phạm vi nghiên cứu của đề tài là giai đoạn từ 2012 (sau Đại hội 18 ĐCS Trung
Quốc) đến nay (2018).
4. Hướng tiếp cận và Phương pháp nghiên cứu
4.1. Hướng tiếp cận:
Đề tài tiếp cận theo hướng lịch sử và hệ thống, để nhìn nhận và đánh giá
những bước tiến của quá trình QTH NDT theo thời gian và trên từng phương diện của
một đồng tiền được quốc tế hóa. Trong bối cảnh Trung Quốc chuyển đổi phương thức
phát triển sau Đại hội 18 Đảng cộng sản Trung Quốc diễn ra năm 2012, đánh dấu một
giai đoạn phát triển mới của nước này. Mục tiêu quan trọng của giai đoạn phát triển
mới này là đưa Trung Quốc trở thành cường quốc hàng đầu thế giới với khẩu hiệu
“Giấc mơ Trung Quốc” hướng tới “phục hưng dân tộc Trung Hoa vĩ đại”. Để đạt
được mục tiêu trở thành cường quốc hàng đầu thế giới thì Quốc tế hóa NDT sẽ là một
công cụ hữu ích. Bắt đầu chính thức khởi động từ giữa năm 2009 và đặc biệt được
thúc đẩy mạnh mẽ từ sau Đại hội 18 Đảng cộng sản Trung Quốc, đến nay, đồng NDT
không chỉ được mở rộng trong thanh toán ngoại thương mà đã bước đầu trở thành
đồng tiền đầu tư và một đồng tiền được dự trữ toàn cầu. Những kết quả đạt được
trong tiến trình khu vực hóa và quốc tế hóa NDT là đáng ghi nhận, tuy nhiên cũng có
nhiều thách thức và cần đánh giá cụ thể hơn về triển vọng của tiến trình này.
4.2. Phương pháp nghiên cứu:
Phương pháp nghiên cứu chính được sử dụng trong đề tài là: phân tích, tổng hợp,
thống kê, so sánh…kết hợp với thu thập và xử lý các thông tin, dữ liệu về tình hình
QTH NDT, thanh toán bằng NDT trong thương mại quốc tế, đầu tư và tài chính quốc
tế, tình hình tự do hóa tài khoản vốn của Trung Quốc…
7
5. Dự kiến kết quả và những đóng góp mới
So với tình hình nghiên cứu vấn đề hiện nay (như đã tổng quát ở trên), thì đề tài có
một số điểm mới và đóng góp như sau:
– Thứ nhất, đề tài đã cập nhật và hệ thống lại các vấn đề lý luận liên quan đến quốc
tế hóa một đồng tiền.
– Thứ hai, đây là một trong số ít những đề tài đầu tiên ở Việt Nam đề cập, nghiên
cứu và phân tích “Chỉ số Quốc tế hóa đồng NDT” (RMB Internationalization Index),
một chỉ số định lượng toàn diện được đưa ra để mô tả một cách khách quan về mức
độ chấp nhận đồng NDT trong các hoạt động kinh tế quốc tế. Chỉ số này cho phép
chúng ta hiểu được sự tiến triển của đồng NDT với vai trò một loại tiền tệ quốc tế
trong các giao dịch thương mại, tài chính quốc tế và dự trữ chính thức, và so sánh với
các đồng tiền quốc tế lớn khác, qua đó đặt một nền tảng kỹ thuật vững chắc để phân
tích sự tiến triển của quá trình quốc tế hóa NDT từ cả trong và ngoài nước.
– Thứ ba, trong 6 năm gần đây, QTH NDT đã đạt được những thành tựu đáng kể.
Đề tài đã cập nhật và đánh giá cụ thể về những tiến triển đó, đồng thời xem xét tác
động của nó đến khu vực và đặc biệt là Việt Nam.
– Thứ tư, đưa ra những gợi mở nhằm hạn chế các tác động tiêu cực của tiến trình
này đến Việt Nam, đồng thời tận dụng những cơ hội mà tiến trình này đem lại. Đây là
những gợi mở rất thiết thực đối với Việt Nam nhằm đưa ra những đối sách phù hợp trong
việc hoạch định, thực thi chính sách tiền tệ, ngoại thương hay kinh tế của Việt Nam nói
chung, cũng như trong quan hệ thương mại của Việt Nam với Trung Quốc nói riêng,
trong bối cảnh Trung Quốc đẩy mạnh Quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ.
6. Kết cấu của đề tài
Ngoài phần Mở đầu và Kết luận, Đề tài chia thành 3 chương:
Chương 1: Tổng quan về chiến lược quốc tế hóa NDT của Trung Quốc
Chương 2: Thực trạng quốc tế hóa NDT sau Đại hội 18 Đảng cộng sản Trung
Quốc
Chương 3: Triển vọng của tiến trình quốc tế hóa NDT và tác động đến Việt Nam
8
Chương 1
TỔNG QUAN VỀ CHIẾN LƯỢC QUỐC TẾ HÓA NHÂN DÂN TỆ
CỦA TRUNG QUỐC
1.1 Cơ sở lý luận về quốc tế hóa một đồng tiền
1.1.1 Khái quát về đồng tiền quốc tế
Tiền tệ của một quốc gia thường có 3 chức năng cơ bản, đó là phương tiện trao
đổi/ thanh toán (means of payments), đơn vị định giá (unit of account) và phương tiện
lưu trữ giá trị (store of value). Những chức năng này của tiền tệ không tách rời mà
liên quan mật thiết với nhau. Thông thường, các quốc gia phát hành tiền tệ nhằm đáp
ứng yêu cầu thanh toán, trao đổi trong nước mình. Bên cạnh đó, cùng với sự phát
triển của kinh tế thế giới, các hoạt động thương mại, đầu tư xuyên quốc gia ngày càng
tăng, ngày càng có nhiều đồng tiền được sử dụng làm phương tiện trao đổi, đơn vị
định giá hay phương tiện lưu trữ giá trị bên ngoài quốc gia mà đồng tiền đó được phát
hành. Mức độ sử dụng của những đồng tiền này không giống nhau. Có những đồng
tiền được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới, nhưng có những đồng tiền chỉ được sử
dụng giữa một vài quốc gia có chung biên giới, sử dụng theo các hiệp định được ký
kết hoặc chỉ hạn chế ở một vài chức năng.
Như vậy, không phải mọi đồng tiền được sử dụng bên ngoài quốc gia phát hành
đều là đồng tiền quốc tế. Theo lý thuyết của Kiminori Matsuyama và Nobuhiro
Kiyotaki (1991) trong “Toward a Theory of International Currency” một đồng tiền
được xem là đồng tiền quốc tế chỉ khi thực hiện đầy đủ ba chức năng – Phương tiện
trao đổi/thanh toán quốc tế, đơn vị hạch toán/ định giá trên phạm vi quốc tế, phương
tiện cất trữ giá trị trên phạm vi quốc tế – ở cả hai cấp độ khác nhau, đối với giao dịch
công và tư, nằm ngoài phạm vi quốc gia của đồng tiền đó. Trên thế giới hiện có một
số đồng tiền quốc tế như đồng Đô la Mỹ, Euro, Bảng Anh… là những đồng tiền
mạnh, thể hiện được 3 chức năng cơ bản là phương tiện thanh toán quốc tế, định giá
các giao dịch quốc tế và dự trữ ngoại hối, trong đó điển hình nhất là đồng Đôla Mỹ,
thể hiện ở việc sử dụng rộng rãi trong định giá, thanh toán và vay mượn quốc tế.
9
1.1.2 Các chức năng cơ bản của đồng tiền được quốc tế hóa
Theo lý thuyết của Kiminori Matsuyama, Nobuhiro Kiyotaki (1991) trong
“Toward a Theory of International Currency” đề cập ở trên và cũng theo nghiên cứu
của M. Shahidul Islam & Omar Khaled MR Bashar (2012) trong “Internationalization
of the Renminbi: Theory and Evidence”, đồng tiền của một quốc gia được quốc tế
hóa khi được sử dụng rộng rãi bởi chính phủ và khu vực tư nhân (cả người định cư và
không định cư) bên ngoài quốc gia đó như một phương tiện trao đổi/thanh toán, một
đơn vị hạch toán/ định giá và một phương tiện cất trữ giá trị. Như vậy, đồng tiền quốc
tế sẽ có 3 chức năng cơ bản: Phương tiện trao đổi/thanh toán quốc tế, đơn vị hạch
toán/ định giá trên phạm vi quốc tế, phương tiện cất trữ giá trị trên phạm vi quốc tế.
Là một phương tiện thanh toán, một đồng tiền quốc tế được sử dụng bởi người
không cư trú (không định cư tại nước bản tệ) trong các giao dịch thương mại và vốn.
Người không cư trú sử dụng tiền tệ quốc tế làm phương tiện, tức là một giá trị trung
gian trong các giao dịch giữa hai loại tiền tệ nhỏ hơn. Ví dụ điển hình như, các giao
dịch giữa Bồ Đào Nha và Thái Lan được chia thành các giao dịch giữa đồng
escudo/dollar và dollar/baht. Các cơ quan quản lý tiền tệ cũng sử dụng tiền tệ quốc tế
như một phương tiện thanh toán, khi họ can thiệp vào thị trường ngoại hối.
Với chức năng là một đơn vị định giá, một đồng tiền quốc tế được sử dụng để
hạch toán, tức là định giá hàng hóa và tài sản, cũng như khi phát hành trái phiếu hoặc
xác định một khoản vay ngân hàng. Chức năng này khác với chức năng thanh toán, vì
giá cả hàng hóa/ tài sản có thể được định giá bằng một loại tiền tệ nhưng thanh toán
thì có thể bằng một loại tiền tệ khác. Chính quyền của các quốc gia cũng có thể sử
dụng tiền tệ quốc tế như một đơn vị định giá, khi họ chốt tiền tệ của họ với đồng tiền
đó.
Với chức năng lưu trữ giá trị, một đồng tiền quốc tế được cả khu vực tư nhân và
khu vực công của các nước sử dụng để duy trì giá trị tiết kiệm. Động cơ của các nhà đầu
tư tư nhân là một sự cân bằng tối ưu giữa lợi nhuận thu về và sự đa dạng hóa rủi ro.
Động cơ của khu vực nhà nước thì khác nhau đối với các chế độ tỷ giá hối đoái khác
nhau [52].
10
Các chức năng của một đồng tiền cụ thể ở khu vực tư nhân và khu vực công có
thể không giống nhau: một loại tiền tệ có thể được chọn làm phương tiện giao dịch
trong khu vực tư nhân nhưng có thể ít được sử dụng cho các can thiệp công cộng trên
thị trường ngoại hối. Phần lớn các giao dịch của một quốc gia có thể được hạch toán
bằng một loại tiền tệ cụ thể, nhưng đôi khi loại tiền đó lại không được chọn làm một
nguồn dự trữ tin cậy. Dự trữ chính thức sẽ được tính bằng đồng tiền quốc tế cụ thể chỉ
khi các cơ quan quản lý tiền tệ muốn ổn định tỷ giá so với đồng tiền này.
Bảng 1.1: Các chức năng của một đồng tiền được quốc tế hóa
Phạm vi, đối tượng sử dụng
Chức năng
Khu vực tư nhân
Các chính phủ trên thế giới
1. Phương tiện trao
đổi/thanh toán quốc
tế
– Các giao dịch thương mại
(xuất nhập khẩu).
– Các giao dịch đầu tư (FDI,
FII)
– Các giao dịch tài chính
– Lưu thông tiền tệ ở nước
ngoài
– Các giao dịch tài chính của
chính phủ (ví dụ ODA)
– Hoán đổi tiền tệ* (SWAPS)
của NHTW
– Đồng tiền chủ chốt NHTW
dùng để can thiệp
2. Đơn vị hạch toán/
định giá trên phạm
vi quốc tế
– là đồng tiền được hạch toán
(invoicing) trong các giao
dịch thương mại
– là đồng tiền được làm đơn vị
trong các sản phẩm tài chính
(trái phiếu, cổ phiếu)
– Được các nước gắn định
vào bản tệ
– Các NHTW đưa vào rổ tiền
tệ
– là đồng tiền thuộc SDR
– là đồng tiền phát hành trái
phiếu chính phủ nước ngoài
3. Phương tiện cất
trữ giá trị trên phạm
vi quốc tế
– Tiền gửi xuyên biên giới
– Chứng khoán xuyên biên
giới
– Được cất trữ (tiết kiệm)
Dự trữ quốc tế (của nước
khác)
Nguồn: Tác giả tổng hợp và vẽ lại, tham khảo từ một số bài viết liên quan – [9] và [13]
* Thỏa thuận hoán đổi tiền tệ là một công cụ tài chính quốc tế phái sinh. Thỏa thuận hoán đổi tiền tệ cho phép
các bên tham gia có thể đồng thời bán một số lượng đồng tiền của nước mình và mua về một số lượng đồng
tiền của nước đối tác. Các chi tiết về lãi suất, tỷ giá, kỳ hạn thực hiện giao dịch được quy định cụ thể trong thỏa
thuận hoán đổi tiền tệ. Thỏa thuận hoán đổi tiền tệ có thể được ký song phương hoặc đa phương; ở cấp độ quốc
gia giữa các Ngân hàng trung ương hoặc ở cấp độ công ty, tổ chức.
11
Theo đó, để đánh giá một đồng tiền đã được coi là “đồng tiền quốc tế” chưa hay mức
độ quốc tế hóa đồng tiền đó đến đâu – cụ thể ở đây là đồng NDT, sẽ phải xem xét trên
cả 3 chức năng “tiền tệ quốc tế” của đồng tiền đó.
1.2 Những nhân tố thúc đẩy Trung Quốc thực hiện QTH đồng NDT
1.2.1 Những lợi ích và rủi ro có thể của việc quốc tế hóa tiền tệ
1.2.1.1 Những lợi ích chủ yếu
Đồng nội tệ của một nước trở thành đồng tiền quốc tế có thể đem lại nhiều lợi ích
cho nước phát hành như:
* Đối với các doanh nghiệp/ người dân của nước bản tệ
Giảm chi phí giao dịch, giảm rủi ro tỷ giá. Khi đồng nội tệ của một quốc gia được
quốc tế hóa, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hay người dân của nước phát hành có
thể thực hiện các giao dịch quốc tế bằng đồng nội tệ, từ đó giảm rủi ro tỷ giá, giảm
nhẹ rủi ro thanh khoản và giảm chi phí giao dịch (do không phải mất phí chuyển đổi
sang đồng ngoại tệ khác).
Bên cạnh đó, nhờ chi phí giảm, các giao dịch quốc tế gia tăng làm tăng thu nhập từ
khu vực tài chính.
* Đối với quốc gia và nền kinh tế nước bản tệ
– Về kinh tế:
+ Tăng thu nhập từ khu vực tài chính, giúp thị trường tài chính phát triển sâu
hơn, hiệu quả hơn. Do chi phí giảm và tăng khả năng thanh khoản nên các giao dịch
quốc tế gia tăng, làm tăng thu nhập từ khu vực tài chính. Thị trường tài chính có thể
phát triển hơn nhờ hoạt động phát hành trái phiếu và các nghiệp vụ arbitrage (nghiệp
vụ kinh doanh chênh lệch giá).
+ Lợi ích từ phát hành tiền: Tạo điều kiện tăng nguồn thu cho nhà nước từ
việc in tiền mới (Seigniorage) khi lưu hành ở nước ngoài. Khi chi phí in tiền thấp hơn
giá trị danh nghĩa của đồng tiền, nước phát hành tiền sẽ có lợi bất cứ khi nào người
dân nước ngoài cần đến đồng nôi tệ nước đó để trao đổi hàng hóa và dịch vụ. Vì vậy,
việc tích lũy tiền tệ xuyên quốc gia này tạo ta lợi ích to lớn cho nền kinh tế.
+ Giảm chi phí vay, thu hút đầu tư gián tiếp: Việc người dân hoặc chính phủ
nước ngoài có thể mua các trái phiếu của nước phát hành bằng chính đồng tiền nước
đó sẽ làm tăng nhu cầu về các sản phẩm này, từ đó làm giảm lãi suất (lợi tức) mà
12
nước phát hành phải trả cho các trái phiếu này. Nước phát hành vì vậy giảm được chi
phí phải trả cho các khoản vay. Khi có nhiều nhà đầu tư cũng có nghĩa là thanh khoản
của các sản phẩm này trên thị trường sẽ tốt hơn, dễ thu hút đầu tư gián tiếp hơn [12,
tr. 176-178].
+ Sự linh hoạt về kinh tế vĩ mô: Việc đồng nội tệ được sử dụng cả bên ngoài
quốc gia phát hành sẽ làm giảm những hạn chế về cán cân thanh toán lên chính sách
tài chính và tiền tệ. Nó cho phép một nước có khả năng thanh toán các khoản thâm
hụt với bên ngoài bằng đồng tiền nước mình, làm giảm chi phí vay nợ, tăng khả năng
theo đuổi các mục tiêu chính sách ở trong và ngoài nước. Với sự linh hoạt này, khả
năng tự chủ về kinh tế của đất nước được nâng cao. Quyền tự chủ so với các quốc gia
khác cũng được tăng cường bởi việc sử dụng đồng tiền của chính đất nước mình
trong các hoạt động giao dịch kinh tế quốc tế, giúp nước này bớt phụ thuộc vào ngoại
tệ, qua đó giảm ảnh hưởng của nước ngoài.
+ Giảm tổn phí cơ hội từ việc duy trì dự trữ ngoại hối và có thể dùng nguồn dự
trữ này cho các yêu cầu khác. Khi thực hiện hoán đổi tiền tệ (swap) và ODA không
phải dùng tới dự trữ, giảm nhẹ can thiệp tiền tệ.
– Về chính trị: Nước phát hành đồng tiền có điều kiện mở rộng ảnh hưởng, tăng
vị thế quốc gia trên trường quốc tế. Việc quốc tế hóa một đồng tiền nâng cao uy tín
chung của nước phát hành, đây chính một dạng quyền lực “mềm”. Việc lưu thông
rộng rãi đồng tiền đó sẽ nâng cao vị thế của nước phát hành. Mặc dù quyền lực này
khó có thể được kiểm chứng nhưng vai trò của quyền lực mềm trong lĩnh vực tiền tệ
cũng đã được nhiều nghiên cứu nước ngoài đề cập đến. Ảnh hưởng dưới dạng quyền
lực, là một lợi ích quan trọng có thể khai thác của đồng tiền được quốc tế hóa. Sự linh
hoạt chính sách kinh tế vĩ mô nâng cao tính tự chủ của quốc gia. Yếu tố này là vô
cùng quan trọng để tạo ta khả năng cân bằng quyền lực với các nước khác. Tuy nhiên,
quyền lực này được thực thi đến mức nào còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Yếu tố
quan trọng nhất là mức độ phụ thuộc của người nước ngoài vào đồng tiền đó với
những vai trò tiền tệ của nó. Sự phụ thuộc của các nước khác sẽ cho nước phát hành
vị thế để thực hiện ảnh hưởng của mình thông qua quản lý khả năng tiếp cận đến các
nguồn lực tài chính.
1.2.1.2 Những rủi ro chính
Bên cạnh những lợi ích nêu trên, việc quốc tế hóa đồng tiền của một quốc gia
13
cũng mang lại những rủi ro nhất định cho nước phát hành.
– Khó khăn trong quản lý và kiểm soát cung tiền: Do một phần tiền được sử
dụng, lưu hành ở nước ngoài; luồng tiền có thể chảy ngược vào trong nước gây bất ổn
(phát triển nóng), hoặt bị rút ra đột ngột; đồng tiền có thể bị tấn công; có thể dẫn đến
sự bất ổn tài chính và kinh tế vĩ mô. Ngoài ra, việc quản lý cung ứng tiền mặt lưu
thông trên toàn thế giới phức tạp hơn nhiều so với việc cung ứng tiền trong lưu thông
nội địa. Nhu cầu về tiền mặt đối với một đồng tiền quốc tế không chỉ phụ thuộc vào
các yếu tố kinh tế như nhu cầu thanh toán, dự trữ, lãi suất, tỷ giá mà còn phụ thuộc
nhiều vào sự tin tưởng của người dân các nước vào giá trị đồng tiền đó. Điều này đặt
ra thách thức lớn về khả năng quản lý cung ứng tiền mặt để đảm bảo đủ lượng tiền
cần thiết trong lưu thông quốc tế.
– Nguy cơ vay nợ quá mức: Khi được phát hành trái phiếu (chính phủ, doanh
nghiệp) bằng đồng bản tệ, khả năng vay nợ dễ dàng với chi phí rẻ là một lợi ích lớn
nhưng cũng tạo ra nguy cơ vay nợ quá mức.
– Hạn chế trong quản lý tỷ giá và điều hành vĩ mô về tiền tệ: Khi trở thành
đồng tiền quốc tế, đồng tiền bản tệ thường lên giá (để hấp dẫn việc nắm giữ), do đó,
có thể chịu áp lực thâm hụt cán cân vãng lai. Hơn nữa, sự can thiệp của Ngân hàng
Trung ương nước phát hành vào thị trường tiền tệ nhằm giữ ổn định tỷ giá thường sẽ
không thể có hiệu quả khi cung- cầu đồng tiền chịu tác động của nhiều yếu tố, trong
đó có cả yếu tố đầu cơ ngắn hạn.
Ngoài ra, nước có đồng tiền được quốc tế hóa cũng khó đơn phương phá giá
đồng tiền khi cần thiết khi mà đồng bản tệ được đồng tiền khác gắn định. Và nước
này phải có chính sách kinh tế vĩ mô lành mạnh để duy trì ổn định giá cả và tỷ giá hối
đoái, đặc biệt phải có chính sách tài chính, tiền tệ minh bạch.
1.2.2 Những nhân tố thúc đẩy Trung Quốc theo đuổi QTH đồng NDT
Theo những phân tích ở trên, QTH đồng NDT sẽ buộc Trung Quốc phải từ bỏ
mục tiêu kiểm soát dòng luân chuyển vốn, lãi suất và tỷ giá hối đoái. Hơn nữa, các
nước có đồng tiền quốc tế đều chấp nhận mức thâm hụt ngân sách và thâm hụt tài
khoản vãng lai lớn nhằm tăng cung tiền ra nước ngoài. Những yếu tố trên đều mang
lại nhiều rủi ro và biến động cho nền kinh tế nước bản tệ và đó cũng chính là lý do
Đức và Nhật Bản không thúc đẩy mạnh mẽ việc QTH đồng tiền của họ. Vậy có
những động lực gì khiến một Trung Quốc luôn chủ trương theo đuổi các chính sách
14
kinh tế vĩ mô ổn định nhằm duy trì tăng trưởng kinh tế cao lại kiên trì mục tiêu QTH
đồng NDT?
Thứ nhất, QTH đồng NDT sẽ giúp Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng cả về chính
trị và kinh tế tại khu vực và trên thế giới. Sau gần 40 năm cải cách mở cửa, kinh tế
Trung Quốc đã phát triển mạnh mẽ: Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới, Trung
Quốc là nước có GDP cao nhất khu vực kể từ năm 2002 và duy trì vị trí này cho tới
hiện nay. Trong 5 năm vừa qua, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc đã
tăng từ 54.000 tỷ NDT (8.200 tỷ USD) lên hơn 80.000 tỷ NDT, đóng góp hơn 30%
vào mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Hiện nay, nước này đứng thứ 2 thế giới về
tổng lượng kinh tế, là nước xuất khẩu lớn nhất thế giới, thứ hai thế giới về nhập khẩu
và thu hút FDI, thứ nhất thế giới về dự trữ ngoại tệ. Tuy nhiên, hiện tại Trung Quốc
chưa có được tiếng nói có trọng lượng cũng như ảnh hưởng lớn đổi với nền kinh tế tài
chính toàn cầu. Điều này có nghĩa là đồng NDT đang thiếu vị trí trong hệ thống tiền
tệ toàn cầu. Nếu các đối tác thương mại của trung Quốc chấp nhận NDT là đồng tiền
thanh toán thì điều này sẽ giúp Trung Quốc mở rộng được ảnh hưởng đối với thương
mại quốc tế, tăng được sự tự chủ và linh hoạt của chính sách tiền tệ của Trung Quốc.
Hơn nữa, nếu Trung Quốc có thể cùng các nước trong khu vực thành lập một liên
minh tiền tệ, thì đây sẽ là một bước tiến lớn để mở rộng ảnh hưởng ra thế giới. Tuy
nhiên, khác biệt chính trị, kinh tế giữa nước này với Nhật Bản và một số nước khác
trong khu vực sẽ là rảo cản lớn cho việc thành lập liên minh tiền tệ. Trong bối cảnh
đó, Trung Quốc có thể thay đổi cách tiếp cận theo hướng “từ dưới lên” bằng việc
QTH đồng NDT, giúp đồng tiền này được sử dụng rộng rãi trong khu vực. Khi các
nước trong khu vực chấp nhận đồng NDT, dần dần Trung Quốc có thể đưa ra triển
vọng về một liên minh tiền tệ, hoặc một liên minh kinh tế do Trung Quốc dẫn đầu
giống Đức ở Châu Âu. Hơn nữa, trong bối cảnh Trung Quốc chuyển đổi phương thức
phát triển sau Đại hội 18 Đảng cộng sản Trung Quốc diễn ra năm 2012, đánh dấu một
giai đoạn phát triển mới của nước này. Mục tiêu quan trọng của giai đoạn phát triển
mới này là đưa Trung Quốc trở thành cường quốc hàng đầu thế giới với khẩu hiệu
“Giấc mơ Trung Quốc” hướng tới “phục hưng dân tộc Trung Hoa vĩ đại”. Để đạt
được mục tiêu trở thành cường quốc hàng đầu thế giới thì Quốc tế hóa NDT sẽ là một
công cụ hữu ích, nhằm nâng cao vị thế của Trung Quốc trong hệ thống tài chính quốc
tế nói chung và trong hệ thống kinh tế- chính trị thế giới nói riêng.
15
Thứ hai, quốc tế hóa đồng NDT sẽ có ý nghĩa rất lớn đối với Trung Quốc trong
trao đổi thương mại với các nước. Các giao dịch thương mại được thực hiện chủ yếu
là USD, chiếm tỷ trọng đến 80% trong tổng giá trị thanh toán quốc tế. Việc NDT
được sử dụng rộng rãi trong các giao dịch quốc tế đồng nghĩa với việc gia tăng các
giao dịch và hợp đồng được thực hiện bằng đồng NDT, nên sẽ giảm đáng kể các rủi
ro về tỷ giá cho các doanh nghiệp Trung Quốc. Trong tình trạng biến động trên thị
trường quốc tế, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Trung Quốc có thể mất từ 4-5%
lợi nhuận của họ do sự lên xuống của tỷ giá hối đoái [58]. Do đó, khi các giao dịch
được chuyển sang dùng bằng NDT sẽ giúp cho các doanh nghiệp Trung Quốc có thể
giảm bớt rủi ro kinh doanh trong bối cảnh đồng NDT đang tăng giá so với USD.
Ngoài ra, điều này còn giúp giảm rủi ro cho các nhà đầu tư Trung Quốc khi đầu tư
vào các quỹ đầu tư nước ngoài.
Thứ ba, QTH đồng NDT cũng là một trong những nỗ lực của Trung Quốc nhằm
thúc đẩy cải cách kinh tế trong nước và cân bằng phát triển kinh tế. QTH đồng NDT
đòi hỏi Trung Quốc phải chấp nhận tự do hóa tài khoản vốn, tự do hóa lãi suất và
không hạn chế chuyển đổi đồng NDT với các đồng tiền khác. Thực chất, đó cũng là
mong muốn của Trung Quốc bởi trong những năm gần đây, đồng NDT đã liên tục
tăng giá và gần với mức cân bằng tự do của thị trường. Hơn nữa, Trung Quốc cũng
nhận thấy cần phải đẩy mạnh phát triển và hoàn thiện thị trường vốn trong nước
nhằm tạo điều kiện để dòng luân chuyển vốn trong nền kinh tế được thông suốt, và
tạo vùng đệm cho việc thực hiện chính sách tiền tệ hiệu quả hơn. Những nội dung
trên chỉ được thực hiện nếu có các biện pháp cải cách kinh tế mạnh mẽ và dứt khoát
hơn. Việc QTH đồng NDT sẽ kịp thời tạo động lực và đặt ra yêu cầu để các nhà lãnh
đạo Trung Quốc thúc đẩy các lực lượng trong nước cải cách mạnh mẽ hơn nền kinh
tế nội địa. Hơn nữa, nền kinh tế Trung Quốc đang tồn tại sự bất cân bằng giữa đầu tư
và tiêu dùng, giữa xuất khẩu và nhu cầu nội địa. QTH đồng NDT không có tác động
trực tiếp để rỡ bỏ các bất cân bằng này, nhưng nó lại có vai trò quan trọng đối với
việc kiểm soát sự tăng trưởng dự trữ ngoại hối, làm giảm áp lực của việc nâng giá
đồng NDT, tăng cường sự phối hợp phát triển kinh tế và cân bằng thương mại giữa
Trung Quốc và các đối tác chính, các nhà cung cấp nguyên liệu.
Thứ tư, tăng khả năng cạnh tranh và sức mạnh của các tổ chức tài chính quốc tế
của Trung Quốc, giúp hình thành các trung tâm tài chính quốc tế tại Trung Quốc đại
16
lục. Nếu việc QTH đồng NDT được mở rộng, các thể chế tài chính Trung Quốc có
thể tiếp cận nguồn tài sản bằng đồng NDT phong phú, theo đó, thúc đẩy sự phát triển
của khu vực dịch vụ tài chính Trung Quốc. Cùng với sự lớn mạnh của các tổ chức tài
chính trong nước, với sự hỗ trợ của trung tâm tài chính Hong Kong (HK), Trung
Quốc có thể phát triển Thượng Hải thành một trung tâm tài chính quốc tế như Luân-
đôn hay Wall Street trong tương lai.
Thứ năm, thúc đẩy trao đổi thương mại qua biên giới và đầu tư ra nước ngoài
của Trung Quốc. QTH đồng NDT sẽ thúc đẩy các hoạt động giao thương và du lịch
qua biên giới của Trung Quốc; đồng thời cũng có tác dụng mở rộng các hoạt động
trao đổi kinh tế vùng biên của Trung Quốc, hỗ trợ phát triển các khu vực dân tộc
thiểu số của nước này. Bên cạnh đó, quốc tế hóa NDT sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp
Trung Quốc xuất khẩu hàng hóa ra ngoài, từ đó góp phần phục vụ cho chiến lược đi
ra ngoài của Trung Quốc.
Thứ sáu, QTH đồng NDT sẽ giúp Trung Quốc duy trì giá trị kho dự trữ ngoại
hối khổng lồ của mình, đồng thời giảm rủi ro từ việc nắm giữ quá nhiều trái phiếu
chính phủ Mỹ. Trung Quốc hiện đang là nước có mức dự trữ ngoại hối lớn nhất thế
giới với 3.143 tỷ USD (tháng 3/2018) [59] và hơn 70% lượng dự trữ là bằng đồng đô-
la Mỹ. Nếu các khoản trên được thay thế dần bằng đồng NDT, Trung Quốc sẽ không
phải lo lắng về nguy cơ mất vốn một khi chính phủ Mỹ định giá lại đồng đô-la Mỹ.
Hơn nữa, trong nhiều năm qua, Trung Quốc đã phải đối mặt với rủi ro vì đã đầu tư
quá nhiều vào trái phiếu chính phủ Mỹ. Trung Quốc hiện đang nắm giữ khoảng 1,2
nghìn tỷ USD nợ Chính phủ Mỹ, nếu Mỹ hạ giá đồng Đô-la, thì số tiền thực tế nắm
giữ của Trung Quốc sẽ bị tụt giảm nghiêm trọng. Do vậy, đây cũng là một trong
những nhân tố thúc đẩy Trung Quốc theo đuổi mục tiêu Quốc tế hóa đồng tiền của
họ.
Thứ bảy, thu lợi thông qua thuế phát hành tiền. Mặc dù đây có thể không phải là
mục tiêu chính của Trung Quốc nhưng trong dài hạn, lợi nhuận từ việc phát hành
đồng NDT ra quốc tế cũng sẽ giúp Trung Quốc bù đắp chi phí “trả thuế in tiền” mất
đi từ việc nắm giữ đồng đô-la Mỹ.
1.3. Nội dung của chiến lược quốc tế hóa NDT
1.3.1 Mục tiêu của chiến lược quốc tế hóa NDT
17
Về cơ bản, Trung Quốc hướng tới 5 mục tiêu chiến lược trong việc thực hiện
QTH đồng NDT như sau:
(1) Giảm thiểu sự phụ thuộc vào đồng USD, từ đó có thể giải quyết được vấn
đề “cái bẫy đô la” cũng như giảm thiểu rủi ro tỷ giá và chi phí trao đổi, cải thiện năng
lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước trên thị trường quốc tế.
Trung Quốc cho rằng việc sử dụng đồng Đô la Mỹ như một đồng tiền quốc tế
duy nhất là một trong những nguyên nhân gây ra khủng hoảng toàn cầu và sẽ tiếp tục
là mối đe dọa đối với sự an toàn của hệ thống tài chính toàn cầu. Quan trọng hơn, các
nhà lãnh đạo Trung Quốc đã nhận thấy rằng Trung Quốc đang trong “một cái bẫy của
đồng USD” và họ muốn thoát ra khỏi cái bẫy này càng sớm càng tốt [66]. Do hầu hết
các khoản thanh toán xuất nhập khẩu và đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc hay đầu
tư của nước này ra ngoài đều được thực hiện bằng Đô la Mỹ; hơn nữa, việc dự trữ
ngoại tệ và tài sản bằng Đô la Mỹ quá nhiều của Trung Quốc cũng khiến nước này dễ
chịu ảnh hưởng từ cách điều hành kinh tế của chính quyền Mỹ. Do vậy, Trung Quốc
muốn giảm sự phụ thuộc vào đồng Đô la Mỹ và con đường để nước này thoát ra là
quốc tế hóa đồng NDT. Nếu đồng NDT có thể trở thành một đồng tiền quốc tế ngang
với Đô la Mỹ và Euro, Trung Quốc có thể dần dần chuyển đổi lượng dự trữ khổng lồ
của mình bằng USD thành NDT mà không phải gánh chịu những tổn thất nặng nề.
(2) Tăng cầu từ thị trường nước ngoài
Thông qua quá trình quốc tế hóa NDT, Trung Quốc hi vọng sẽ làm tăng được
nhu cầu của nước ngoài đối với hàng hóa và các sản phẩm tài chính của nước này liên
quan đến đồng NDT. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng có thể giảm dần sự phụ thuộc
vào các nước phát triển và gia tăng thương mại với các nước đang phát triển và các
nền kinh tế mới nổi trong nhóm BRICs như Ấn độ, Nga, Brazil. Các thỏa thuận gần
đây của Trung Quốc đều nhằm tiến tới sử dụng đồng nội tệ trên các hóa đơn thương
mại trong quan hệ thương mại song phương với các nước này. Đồng thời, nước này
cũng mở rộng cung cấp các khoản vay bằng NDT ra khắp thế giới.
(3) Thiết lập và nâng cao vai trò của Trung tâm tài chính Thượng Hải, cũng
như nâng cao vị thế của Trung Quốc trong hệ thống tài chính khu vực và thế giới.
Qua việc quốc tế hóa đồng NDT, Trung Quốc cũng hy vọng sẽ thúc đẩy sự mở
rộng thị trường tài chính trong nước (thị trường thanh toán bù trừ, thị trường chứng