BÁO CÁO THỰC TẬP TỐT NGHIỆP
PHÂN TÍCH CÁC CƠ HỘI THỊ TRƯỜNG VẬN CHUYỂN HÀNG KHÔ, HÀNG BÁCH HÓA ĐA NĂNG BẰNG ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA CỦA CÔNG TY VẬN TẢI THUỶ BẮC NOSCO
LỜI MỞ ĐẦU
Xu thế hội nhập kinh tế khu vực và thế giới đang diễn ra khắp toàn cầu như là một tất yếu khách quan với mức độ ngày càng mạnh mẽ. Là một quốc gia có nền kinh tế đang phát triển ở Đông Nam Á, Việt Nam không thể đứng ngoài tiến trình chung này.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX Đảng Cộng sản Việt Nam – năm 2001, Đảng ta tiếp tục chỉ rõ đường lối và chiến lược phát triển kinh tế – xã hội là: “Chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực theo tinh thần phát huy tối đa nội lực, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, bảo đảm độc lập tự chủ và định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích dân tộc, an ninh quốc gia, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, bảo vệ môi trường. …. Mở rộng và nâng cao hiệu quả kinh tế đối ngoại. Củng cố thị trường đã có và mở rộng thêm thị trường mới. Chủ động hội nhập kinh tế quốc tế có hiệu quả, thực hiện các cam kết song phương và đa phương. … Phát triển thương mại, cả nội thương ngoại thương, bảo đảm hàng hoá lưu thông thông suốt trong thị trường nội địa và giao lưu buôn bán với nước ngoài.”
Trong khi đó, Công ty vận tải thuỷ Bắc còn nhỏ yếu trong việc chuẩn bị để tham gia một cách sâu rộng và vững chắc vào các hoạt động thương mại vận tải thủy nội địa. Khối lượng hàng hoá vận chuyển trong thị trong thị trường nội địa của Việt Nam ngày một tăng nhanh nhưng thị phần vận tải của đội tàu của công ty đối với tất cả các hàng hoá luân chuyển bằng đường biển mới chiếm tỷ lệ nhỏ.
Trong bối cảnh này, tìm kiếm các cơ hội thị trường là một trong những điều kiện sống còn của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải thuỷ. Nhưng từ trước đến nay, Công ty vận tải thuỷ Bắc chưa có sự phân tích, đánh giá một cách hệ thống để đề ra chiến lược cạnh tranh cho phát triển lâu dài, mọi quyết định kinh doanh được đưa ra là do có những biến động nhất thời trên thị trường và phụ thuộc nhiều vào các yếu tố bên ngoài.
Với ý nghĩa trên, em đã lựa chọn đề tài “Phân tích các cơ hội thị trường vận chuyển hàng khô, hàng bách hóa đa năng bằng đường thủy nội địa của công ty vận tải thuỷ Bắc Nosco”.
2. Mục đích nghiên cứu
Từ việc tìm hiểu, phân tích tình hình hoạt động của đội tàu Công ty vận tải thuỷ Bắc trong xu hướng phát triển vận tải biển trên thế giới và của đội tàu biển Việt Nam, để qua đó tìm ra những giải pháp phù hợp nhằm nâng cao sức tăng trưởng trong vận tải thủy nội địa của Công ty vận tải thuỷ Bắc.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
– Đối tượng nghiên cứu: Đề tài tập trung nghiên cứu các cơ hội thị trường trong vận tải thủy nội địa của công ty Thuỷ Bắc – một doanh nghiệp thành viên của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam.
– Phạm vi nghiên cứu: Đặt thực trạng kinh doanh vận tải biển của Công ty vận tải thuỷ Bắc trong bối cảnh thị trường trong ngành từ năm 1998 đến nay.
4. Kết cấu của báo cáo:
Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục các tài liệu tham khảo và mục lục, Luận văn được chia làm 3 chương:
Chương I:Vài nét cơ bản về vận chuyển hàng khô, hàng bách hóa đa năng trong vận tải thủy nội địa.
Chương II: Phân tích các yếu tố môi trường ảnh hưởng hoạt động vận chuyển hàng khô, hàng bách hóa đa năng của công ty vận tải thủy Bắc Nosco.
Chương III: Đánh giá các cơ hội thị trường cho hoạt động kinh doanh dịch vụ vận chuyển hàng khô, hàng bách hóa đa năng của công ty vận tải biển thuỷ Bắc Nosco.
CHƯƠNG I: VÀI NÉT CƠ BẢN VỀ VẬN CHUYỂN HÀNG KHÔ, HÀNG BÁCH HÓA ĐA NĂNG TRONG VẬN TẢI THỦY NỘI ĐỊA.
I. Đặc điểm và các phương thức kinh doanh vận tải thủy nội địa.
1. Đặc điểm, vai trò vận tải thủy nội địa.
Thông thường trong buôn bán, người bán, ngưòi mua có hàng nhưng không có tàu, thuyền để chuyên chở. Vì vậy để hợp đồng mua bán hàng hóa thực hiện được, thì người bán hoặc ngưòi mua phải đi thuê tàu, thuyền….. để chở hàng. Việc thuê tàu, thuyền … để chở hàng hóa đó chính là việc kí kết hợp đồng chuyên chở hàng hóa bằng đường thủy.
Hợp đồng chuyên chở hàng hóa bằng đường thủy chính là sự thỏa thuận và kết ước giữa hai bên: bên chuyên chở và bên thuê chở, theo đó người chuyên chở có nghĩa vụ dùng tàu, thuyền… để chở hàng từ một cảng này đến một cảng khác nhằm thu tiền cước do người thuê chở có nghĩa vụ trả.
Ngày nay khi xu thế hội nhập hóa, toàn cầu hóa đang ở xu hướng mạnh mẽ, các nước trên thế giới ngày càng gia tăng buôn bán với bên ngoài, vì vậy vận tải biển chiếm vị trí lớn trong hoạt động vận chuyển hàng hóa. Việt Nam với vị trí địa lý thuận lợi, với bờ biển dài khoảng 3200 km lại có nhiều vũng, vịnh, chắn gió tốt, nước sâu rất có thích hợp cho các tàu neo đậu để xây dựng thành các hải cảng lớn, biển nước ta nằm dọc đường hàng hải quốc tế từ ấn độ dương sang Thái Bình Dương, là nơi giao lưu buôn bán quốc tế của nhiều nước, có nhiều cảng biển cho việc phát triển về vận tải biển. Vì vậy việc nâng cao khả năng khai thác vận tải biển sẽ đóng góp quan trọng trong nền kinh tế quốc dân nói chung và nền ngoại thương nước ta nói riêng.
Bên cạnh vận tải bằng đường biển, vận tải bằng đường sông của nước ta cũng phát triển không ngừng. Với hệ thống sông ngòi dầy dặc và có những con sông lớn nối liền với các quốc gia lân cận, thế cho nên vận tải đường sông cũng đóng góp một phần rất quan trọng trong việc vận chuyển hàng hóa nội địa và quốc tế.
2. Ưu nhược điểm của vận tải thủy
So với một số phương thức vận chuyển khác thì vận chuyển bằng đường thủy có một số ưu điểm sau: tương đối thuận tiện vì người thuê chở có thể thuê bất cứ một chiếc tàu nào với kích cỡ và trọng tải từ vài chục tấn đến hàng vạn tấn để thuê chở hàng hóa cho mình và đến bất cứ cảng nào mình muốn, vận chuyển được hàng hóa có khối lượng lớn, cồng kềnh, giá cước tương đối rẻ vì ngày nay người ta có thể đóng những con tàu rất lớn từ 200 đến 400 nghìn tấn cho nên giá cước tính trên đơn vị hàng hóa mà nó vận chuyển xuống rất thấp.
Căn cứ pháp lý của nghiệp vụ thuê tàu rất rõ ràng, về cơ bản tuân thủ các tập quán thương mại và hàng hải thể hiện trong các điều kiện cơ sở.
Giao hàng làm cho các tập quán các lợi ích khi giao kết hợp đồng kinh doanh thương mại quốc tế của các đương sự được cụ thể hơn và xác thực hơn.
Vận tải bằng đường thủy có thể chở được hầu hết các loại hàng: từ hàng tạp hóa, tạp phẩm, đến hàng lỏng, khí, hành khách cho đến hàng đông lạnh, hàng tươi sống.
Tuy nhiên, khi chuyên chở đường dài thì vận tải thủy lại không thích hợp với chuyên chở những hàng hóa đòi hỏi thời gian giao hàng nhanh. Hơn nữa, chuyên chở hàng hóa xuất nhập khẩu bằng đường biển thường gặp nhiều rủi ro nguy hiểm, vì vận tải đường biển phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện tự nhiên . Môi trường hoạt động, thời tiết, điều kiện, thủy văn trên mặt biển luôn luôn ảnh hưởng đến quá trình chuyên chở. Những rủi ro, thiên tai, tai nạn bất ngờ trên biển thường gây ra những tổn thất lớn cho tàu hàng hóa , cho người. Tuy nhiên những rủi ro, tổn thất trong hàng hải đang được khắc phục dần bằng những phương tiện kĩ thuật hiện đại.
3. Các phương thức kinh doanh vận tải thủy nội địa.
3.1. Các phương thức kinh doanh vận tải thủy nội địa:
Hiện nay, có một số hình thức phân loại đội tàu vận tải biển như sau:
Nếu phân chia theo đối tượng vận chuyển thì các tàu vận tải biển chia thành ba loại: Tàu hàng, tàu khách, tàu vừa chở hàng vừa chở khách.
Cách thức tổ chức khai thác các loại tàu mặc dù có những điểm chung nhưng vẫn có những điểm khác nhau.
Trong nội dung bài viết này, em chỉ đề cập đến tàu hàng.
Căn cứ vào cách thức tổ chức chuyến đi (hình thức tổ chức chạy tàu) của các tàu vận tải biển mà người ta chia hoạt động của đội tàu vận tải biển thành hai loại: Vận chuyển theo hình thức tàu chuyến (tramp) và vận chuyển theo hình thức tàu chợ (liner).
Đặc trưng cơ bản trong ngành vận tải biển hiện nay là ngoài những tuyến vận tải thường xuyên được tổ chức theo hình thức khai thác tàu chợ, do có những lượng hàng hoá không lớn vẫn xuất hiện trong thị trường vận tải, nên hình thức vận tải tàu chuyến vẫn rất phù hợp với những nước đang phát triển, kém phát triển, đội tàu vận tải biển nhỏ bé, hệ thống cảng chưa phát triển.
Căn cứ theo dạng vận chuyển, hoạt động của đội tàu vận tải biển được chia thành:
Vận chuyển đường biển riêng rẽ; vận chuyển đa phương thức (vận tải biển chỉ là một bộ phận trong dây chuyền vận chuyển từ kho tới kho trên cơ sở một hợp đồng vận tải đơn nhất giữa người kinh doanh vận chuyển và người thuê vận chuyển); vận chuyển biển pha sông; vận chuyển sà lan trên các tàu mẹ trên biển.
Các loại tàu tham gia vận chuyển bao gồm: tàu chở container; tàu dầu; tàu chở hàng rời, đổ đống; tàu mẹ chở sà lan; tàu hàng khô, tổng hợp.
Với các hình thức phân loại đội tàu như trên, trong hàng hải có hai hình thức kinh doanh tàu: kinh doanh tàu chạy rỗng (tramp) và kinh doanh tàu chợ (liner).
Tàu chạy rỗng hay còn gọi là tàu chạy không định kỳ (Irregular) là tàu kinh doanh chuyên chở hàng hoá (chủ yếu là hàng khô có khối lượng lớn và hàng lỏng) trên cơ sở hợp đồng thuê tàu. Nó phục vụ theo yêu cầu của người thuê tàu.
Tàu chợ còn gọi là tàu chạy định kỳ (Regular) là tàu kinh doanh thường xuyên trên một luồng nhất định, ghé vào các cảng nhất định và theo lịch trình đã sắp xếp từ trước. Hình thức này xuất hiện cuối thế kỷ XIX và được phát triển nhanh chóng.
Qua hai phương thức kinh doanh tàu chủ yếu ở trên, có các phương thức thuê tàu chủ yếu:
– Phương thức thuê tàu chợ.
– Phương thức thuê tàu chuyến.
– Phương thức thuê tàu định hạn.
3.2. Phương thức thuê tàu chợ.
Thuê tàu chợ còn gọi là lưu cước tàu chợ (Booking shipping space) là người chủ thông qua người môi giới thuê tàu yêu cầu chủ tàu hoặc người chuyên chở giành cho thuê một phần chiếc tàu chợ để chuyên chở hàng hoá từ cảng này đến cảng khác. Mối quan hệ giữa người chủ hàng và người chuyên chở được điều chỉnh bằng vận đơn đường biển.
Vận đơn đường biển là bằng chứng duy nhất xác nhận hợp đồng chuyên chở đường biển đã được ký kết, có chức năng:
– Là biên lai nhận hàng của người chuyên chở.
– Là chứng từ xác nhận quyền sở hữu hàng hoá ghi trong vận đơn.
Người cầm vận đơn hợp pháp có quyền sở hữu hàng hoá và đòi người chuyên chở giao hàng cho mình. Do đó nó là: chứng từ có giá trị để mua bán, chuyển nhượng, cầm cố …. .
– Vận đơn là bằng chứng xác nhận hợp đồng chuyên chở đã ký kết.
* Đối tượng chuyên chở tàu chạy thường xuyên bao gồm tất cả các loại hàng: hàng lỏng, hàng khô có bao bì hay để trần, thành phẩm hoặc bán thành phẩm và các mặt hàng nguyên liệu … Các loại hàng trong tàu chạy thường xuyên bao gồm các loại hàng lẻ, hàng đặc biệt đòi hỏi xếp dỡ bằng phương pháp chuyên môn.
Tàu chợ là loại tàu thường cấu trúc nhiều tầng boong, nhiều hầm trọng tải vừa phải, tốc độ tối thiểu là 14 hải lý/giờ. Đối với tuyến biển xa tốc độ tối thiểu là 16 hải lý/giờ. Ngày nay thường đạt tới 20 hải lý/giờ. Tàu thường có thiết bị xếp dỡ riêng trên tàu.
3.3. Phương thức thuê tàu chuyến.
Thuê tàu chuyến (voyage charter) là chủ tàu (ship’s owner) cho người thuê tàu (charterer) thuê toà bộ hay một phần chiếc tàu chạy rỗng (tramp) để chuyên chở hàng hoá từ một hay vài cảng đến một hay vài cảng khác.
Mối quan hệ giữa chủ tàu và người thuê tàu được điều chỉnh bằng một văn bản gọi là hợp đồng thuê tàu (Voyage charter party) viết tắt là C/P.
* Đối tượng vận chuyển của tàu chuyến thường là các loại hàng có khối lượng lớn (hàng lỏng, hàng khô) thường chở đầy tàu bao gồm các loại hàng như than, hàng ngũ cốc, quặng, sắt thép, phân bón, ….
Trên 80% hàng hoá được vận chuyển bằng tàu chuyến, tập trung ở các mặt hàng sau: Các loại quặng, hàng hạt, phân bón rời hoặc đóng bao, than và cốc, gỗ các loại, đường rời hay đóng bao.
– Đặc điểm của hợp đồng tàu chuyến là chủ hàng thường thuê cả chuyến, giá cả thương lượng thông qua đại lý.
– Phương tiện vận chuyển bao gồm các loại tàu một boong, miệng hầm lớn, tàu chuyên dùng để vận chuyển các loại hàng thích hợp và các loại tàu vận chuyển tổng hợp.
Cỡ tàu vận chuyển chiếm tỷ lệ nhiều nhất là cỡ tàu 1 vạn tấn đến 2 vạn tấn. Tốc độ trung bình từ 14 – 16 hải lý/giờ. Thị trường tàu chuyến thường chia thành khu vực, căn cứ theo phạm vi hoạt động của tàu.
* Cách thuê tàu chuyến: Việc giao dịch thuê tàu chuyến, hai bên tự do thương lượng về cả giá cước và điều kiện chuyên chở. Chủ tàu giữ quyền điều động quản lý con tàu, thuỷ thủ và trả mọi chi phí kinh doanh, mọi rủi ro về kinh doanh khai thác tàu. Người thuê tàu phải trả cước theo khối lượng hàng chuyên chở hoặc theo cước thuê bao cả tàu. Ngoài ra có chịu chi phí bốc xếp hay không là do hợp đồng quy định.
– Thuê tàu chuyến có các dạng sau:
+ Thuê tàu chuyến đơn (Single voyage)
+ Thuê tàu chuyến khứ hồi (Round voyage)
+ Thuê nhiều chuyến liên tục (Consecutive voyages). Phương thức này đòi hỏi hai bên phải quy định chặt chẽ trong hợp đồng.
+ Thuê bao trong một thời gian nhất định (general contract of afreighetment) theo giá cước hai bên thoả thuận. Thời gian thường là thuê theo quý hay năm.
+ Thuê theo hợp đồng định hạn (Time charter).
3.4. Phương thức thuê tàu định hạn.
Thuê tàu định hạn là chủ tàu cho người thuê tàu thuê chiếc tàu để sử dụng vào mục đích chuyên chở hàng hoá trong một thời gian nhất định. Hai bên cùng nhau ký kết một văn bản gọi là hợp đồng thuê tàu định hạn (Time charter party). Theo hợp đồng này chủ tàu có trách nhiệm chuyển giao quyền sử dụng chiếc tàu thuê cho người thuê tàu và bảo đảm “khả năng đi biển” của chiếc tàu đó trong suốt thời gian thuê tàu. Còn người thuê tàu có trách nhiệm trả tiền thuê và chịu trách nhiệm về việc kinh doanh khai thác chiếc tàu thuê, sau khi hết thời hạn thuê phải hoàn trả cho chủ tàu trong tình trạng kỹ thuật tốt tại cảng và trong thời hạn đã quy định.
Theo khái niệm trên ta thấy trong thời gian thuê, quyền sở hữu chiếc tàu vẫn thuộc về chủ tàu, nhưng quyền sử dụng lại được chuyển sang người thuê tàu. Chính vì vậy, quyền lợi và nghĩa vụ của chủ tàu và người thuê tàu trong hợp đồng thuê tàu định hạn có nhiều đặc điểm khác so với hợp đồng thuê tàu chuyến.
* Trong thực tế áp dụng hai hình thức thuê tàu định hạn:
– Thuê tàu định hạn phổ thông, tức là cho thuê tàu bao gồm cả sỹ quan thuỷ thủ của tàu trong một thời gian nhất định.
Theo hình thức này lại chia ra:
+ Thuê thời hạn dài (Period time charter)
+ Thuê định hạn chuyến (Trip time charter)
+ Thuê định hạn chuyến khứ hồi (Round voyage time charter)
+ Thuê định hạn chuyến liên tục (Consecutive – voyage time charter).
– Thuê tàu định hạn trơn: là hình thức thuê tàu không có sỹ quan thuỷ thủ (thậm chí không có trang thiết bị trên tàu). Hình thức này có tên là “Bare-boat charter”.
3.5. So sánh ưu nhược điểm của các phương thức thuê tàu.
– Về thủ tục cho thuê tàu:
+ Phương thức thuê tàu chợ: thủ tục đơn giản, nhanh chóng vì người thuê tàu không được tự do thoả thuận các điều kiện chuyên chở mà phải chấp nhận các điều kiện có sẵn trong vận đơn và biểu cước của chủ tàu.
+Phương thức thuê tàu chuyến: Nghiệp vụ cho thuê tàu không nhanh chóng, đơn giản như tàu chợ. Việc ký kết hợp đồng khá phức tạp, chủ tàu và chủ hàng trong quá trình đàm phán đều có những yêu cầu đòi hỏi khác nhau.
+ Phương thức thuê tàu định hạn: Việc ký kết hợp đồng cũng phức tạp, đòi hỏi phải có những ràng buộc chặt chẽ trong quá trình cho thuê tàu. Thông thường, kết cấu của hợp đồng cho thuê tàu định hạn là dài nhất và chi tiết nhất.
– Về giá cả cho thuê:
+ Phương thức thuê tàu chợ: Giá cước tính cho một đơn vị hàng hoá vận chuyển thường được rất cao và tương đối ổn định trên thị trường so với các hình thức cho thuê khác.
+ Phương thức thuê tàu chuyến: Giá cho thuê biến động thường xuyên và rất mạnh do hình thức thuê tàu này thường phải thông qua các đại lý, chịu phí dịch vụ môi giới. Chủ tàu và người thuê tàu được tự do thương lượng thoả thuận về cước và các các điều kiện đi kèm nhằm bảo vệ quyền lợi cả hai bên một cách thoả đáng.
+ Phương thức thuê tàu định hạn: Tuỳ thuộc và mối quan hệ, uy tín và khả năng đàm phán của chủ tàu với người thuê. Người thuê tàu thường sử dụng phương thức thuê tàu định hạn khi cho rằng giá thuê tàu chợ ở thời điểm hiện tại hoặc trong tương lai là sẽ lên cao trong khi họ có nguồn hàng vận chuyển tương đối ổn định.
– Về thời gian vận chuyển:
+ Phương thức thuê tàu chợ: Đặc trưng quan trọng của hình thức tàu chợ là tàu hoạt động cố định, chuyên tuyến giữa các cảng xác định; theo lịch vận hành được công bố từ trước
+ Phương thức thuê tàu chuyến: Hàng hoá được chuyên chở nhanh chóng vì tàu chạy chuyên tuyến không phải đỗ các cảng lẻ để lấy hàng.
+ Phương thức thuê tàu định hạn: Thời gian vận chuyển phụ thuộc nhiều vào cả chủ tàu và người thuê tàu.
– Về trình độ tổ chức quản lý và khai thác tàu:
+ Phương thức thuê tàu chợ: là hình thức phát triển cao hơn và hoàn thiện hơn của hình thức vận tải tàu chuyến.
+ Phương thức thuê tàu chuyến: Linh hoạt, thích hợp với vận chuyển hàng hoá không thường xuyên và hàng hoá xuất nhập khẩu, tận dụng được hết trọng tải của tàu lúc chở hàng trong từng chuyến đi có hàng. Nếu tổ chức tìm hàng tốt thì hình thức khai thác tàu chuyến là hình thức khai thác có hiệu quả không kém gì so với hình thức khai thác tàu chợ.
+ Phương thức thuê tàu định hạn: Chủ tàu tạm thời chưa phải quan tâm đến việc tìm kiếm nguồn hàng hoá để chuyên chở, có mục đích kinh doanh cho thuê tàu định hạn với tư cách là chủ tàu thuần tuý.
– Về phân chia chi phí giữa các phương thức thuê tàu:
+ Hình thức thuê tàu chợ: Chủ tàu chịu mọi khoản chi phí từ khi nhận hàng để vận chuyển cho đến khi trả hàng tại cảng cho chủ hàng theo lịch trình vận hành công bố từ trước.
+ Hình thức thuê tàu chuyến và tàu định hạn được phân chia như sau:
Bảng 1
PHÂN CHIA CHI PHÍ GIỮA CHỦ TÀU VÀ NGƯỜI THUÊ
4. Phân loại vận tải thủy.
Có nhiều tiêu chí để phân loại vận tải thủy nhưng thông thường chúng ta phân ra làm vận tải thủy quốc tế và vận tải thủy nội địa
Vận tải thủy quốc tế: là việc chuyên chở hàng hóa, hành khách bằng đường biển, đường sông giữa hai nhiều quốc gia, tức là việc chuyên chở hàng hóa, hành khách phải qua biên giới giữa hai quốc gia.
Có hai hình thức vận tải quốc tế: vận tải quốc tế trực tiếp là hình thức chuyên chở được tiến hành trực tiếp giữa hai nước. Còn vận tải quốc tế quá cảnh là hình thức chuyên chở được tiến hành qua lãnh thổ của ít nhất một nước thứ ba gọi là nước cho quá cảnh.
Sựu ra đời và phát triển của vận tải quốc tế gắn liền với sự phân công lao động trong xã hội và trong quan hệ buôn bán giữa các nước với nhau. Sự hình thành và phát triển hệ thống vận tải từng nước hoặc một nhóm nước có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển hệ thống vận tải trên phạm vi toàn thế giới.
Vận tải thủy quốc tế chiếm tới 80% vận chuyển hàng hóa buôn bán quốc tế. Vận tải thủy quốc tế được phát triển trên cơ sở phát triển sản xuất và trao đổi hàng hoá. Ngược lại hoàn thiện hệ thống vận tải quốc tế đặc biệt là vận tải bằng đường biển quốc tế giảm giá thành vận tải sẽ tạo điều kiện quan hệ buôn bán quốc tế, đáp ứng nhu cầu đi lại tiêu dùng của mọi người của nhiều quốc gia khác nhau. Thực tế đã chứng minh vận tải quốc tế bằng đường thủy góp phần lớn vào khuyến khích buôn bán giữa các nước.
Vận tải thủy nội địa: là một hoạt động dịch vụ trong đó người cung cấp dịch vụ (hay người vận chuyển) thực hiện các hàng hóa từ nơi này đến nơi khác trong vùng nước mà điểm đầu và điểm cuối của quá trình chuyên chở không đi ra ngoài lãnh thổ của một quốc gia
Theo khái niệm trên thì vận tải thủy nội địa là việc người thuê tàu chở hàng hóa trên các vùng biển, trên các sông ngòi trong phạm vi một quốc gia đó. Người thuê chở và người chuyên chở không phải làm các thủ tục xuất nhập khẩu hay các thủ tục quá cảnh. Thông thường đồng tiền thanh toán trong vận tải thủy nội địa là đồng nội tệ.
Hiện nay, trong vận tải thuỷ nội địa thường chậm phát triển và chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong vận chuyển hàng hóa, vì nó bị cạnh tranh quyết liệt bởi các phương thức vận tải khác có tốc độ nhanh hơn như đường sắt, đường không, đường bộ.
Đối với một đất nước có bờ biển dài từ bắc đến nam và hệ thống sông ngòi dày đặc với nhiều con sông lớn như sông Hồng, sông Mê Kông thì vận tải thủy nội địa chiếm một vị trí nhất định không thể thiếu trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Vì thế Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm phát huy năng lực vận tải thuỷ nội địa đồng thời đẩy mạnh phát triển đội tàu biển để vừa vận tải ven biển và vận tải viễn dương phục vụ cho công cuộc CNH –HĐH nước ta hiện nay. Điều đáng mừng là hiện nay đội tàu trong nước đã đáp ứng được phần nào thị phần vận tải thủy nội địa góp phần lớn cho việc tiết kiệm ngoại tệ cho đất nước.
II. Đặc điểm và các phương thức gửi hàng khô, hàng bách hóa đa năng bằng container trong vận tải thủy nội địa.
Tàu chở hàng bách hóa: là tàu chở các hàng hóa do công nghiệp sản xuất, thường là có bao bì và có giá trị cao. Loại tàu chở hàng này thường có nhiều boong, nhiều hầm, có cần cẩu riêng để xếp dỡ, tốc độ tương đối cao.
Tàu chở hàng có khối lượng lớn: hàng khô có khối lượng lớn là nhữngloại hàng ở thể rắn không có bao bì như than, sắt thép, ngũ cốc, phân bón, xi măng,…thường được chở bằng loại tàu riêng. Loại tàu này thường là tàu một boong, có nhiều hầm, trọng tải lớn, được trang bị cả máy bơm hút ẩm hàng rời, tốc độ chậm
Về container chở hàng có:
Nhóm 1: Container chở hàng bách hóa.
Nhóm này bao gồm các container kín có cửa ở một đầu, container kín có cửa ở một đầu và các bên, có cửa ở trên nóc, mở cạnh, mở trên nóc – mở bên cạnh, mở trên nóc – mở bên cạnh – mở ở đầu; những container có hai nửa (half-heigh container), những container có lỗ thông hơi…..
Nhóm 2: Container chở hàng rời (Dry Bulk/Bulker freight container)
Là loại container dùng để chở hàng rời (ví dụ như thóc hạt, xà phòng bột, các loại hạt nhỏ….). Đôi khi loại container này có thể được sử dụng để chuyên chở hàng hóa có miệng trên mái để xếp hàng và có cửa container để dỡ hàng ra. Tiện lợi của kiểu container này là tiết kiệm sức lao động khi xếp hàng vào và dỡ hàng ra, nhưng nó cũng có điểm bất lợi là trọng lượng vỏ nặng, số cửa và nắp có thể gây khó khăn trong việc giữ an toàn và kín nước cho container vì nếu nắp nhồi hàng vào nhỏ quá thì sẽ gây khó khăn trong việc xếp hàng có thứ tự.
CHƯƠNG II
THỰC TRẠNG TÌNH HÌNH VẬN TẢI HÀNG KHÔ, HÀNG RỜI CỦA CÔNG TY VẬN TẢI THỦYBẮC
I. Quá trình hình thành và phát triển của Công ty vận tải thuỷ Bắc – NOSCO.
1. Sự hình thành, chức năng nhiệm vụ và quyền hạn của Công ty NOSCO.
Công ty vận tải thuỷ Bắc là doanh nghiệp Nhà nước, được chuyển đổi từ Văn phòng Tổng công ty vận tải sông 1, tiền thân là Cục đường sông Việt Nam trước đây theo quyết định số 284/QĐ-TCCB-LĐ ngày 27/2/1993 và được thành lập theo Quyết định số 1108/QĐ-TCCB của Bộ Giao thông vận tải ngày 03/6/1993.
Tại Quyết định số 597/TTg ngày 30/7/1997 của Thủ tướng Chính phủ, Công ty vận tải thuỷ Bắc được chuyển về là đơn vị trực thuộc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam – VINALINES.
– Trụ sở chính: 278 Tôn Đức Thắng, Đống Đa, Hà nội.
– Tên giao dịch tiếng Việt: CÔNG TY VẬN TẢI THUỶ BẮC.
– Tên giao dịch tiếng Anh: NORTHERN SHIPPING COMPANY – NOSCO
– Điện thoại: 84-4-8515805, 84-4-8516706; Fax: 84-4-5113347.
– Email: Nosco@fpt.vn
Lĩnh vực kinh doanh chủ yếu theo giấy phép kinh doanh số 108568 ngày 14/06/1993 do Trọng tài kinh tế thành phố Hà Nội cấp và Giấy phép kinh doanh XNK số 1031/GP do Bộ Thương mại cấp ngày 23/6/1995 là:
Vận tải hàng hoá đường sông, đường biển: đây là nhiệm vụ sản xuất chính của Công ty.
Và các lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác là: Vận tải hành khách đường sông và ven biển; XNK, cung ứng vật tư, phụ tùng, thiết bị chuyên ngành vận tải thuỷ; Đại lý và môi giới hàng hải phục vụ ngành giao thông vận tải; Sửa chữa, sản xuất, lắp đặt các loại phương tiện, thiết bị công trình giao thông đường thuỷ. Khai thác, sản xuất kinh doanh cấu kiện bê tông đúc sẵn, vật liệu xây dựng; Cung ứng lao động cho nước ngoài; Kinh doanh dịch vụ du lịch lữ hành quốc tế.
– Ngoài khu văn phòng gồm 8 phòng ban còn có 4 Trung tâm, 3 Chi nhánh, và 1 Xí nghiệp trực thuộc Công ty, đó là:
+ Trung tâm xuất nhập khẩu CKD.
+ Trung tâm xuất nhập khẩu Đông Phong.
+ Trung tâm Dịch vụ và XKLĐ.
+ Trung tâm Du lịch Hàng hải.
+ Chi nhánh Công ty vận tải thuỷ Bắc tại Hải Phòng – 102 Lý Thường Kiệt, Hồng Bàng, Hải Phòng.
+ Chi nhánh Công ty vận tải thuỷ Bắc tại Quảng Ninh – 29 Lê Thánh Tông, Hạ Long, Quảng Ninh.
+ Chi nhánh Công ty vận tải thuỷ Bắc tại TP. Hồ Chí Minh – HABOUR VIEW TOWER #1420C – 35 Đường Nguyễn Huệ, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh.
+ Xí nghiệp SCCK&VLXD – Xã Liên Mạc, Huyện Từ Liêm, Hà nội.
II. Phân tích các yếu tố môi trường ảnh hưởng tới hoạt động vận tải hàng khô, hàng rời của công ty vận tải Thủy Bắc
1. Phân tích bên ngoài:
1.1. Khách hàng.
Nhu cầu thị trường là xuất phát điểm của quá trình phát triển nền kinh tế, cũng như của các ngành kinh tế trong nền kinh tế quốc dân, bởi cơ cấu, tính chất đặc điểm và xu hướng vận động của nhu cầu tác động trực tiếp đến các ngành sản xuất – là tiền đề cho sự phát triển của ngành vận tải nói chung cũng như của ngành đại lý vận tải nói riêng. Do đó đòi hỏi phải tiến hành nghiêm túc, thận trọng công tác điều tra nghiên cứu nhu cầu thị trường, phân tích môi trường kinh tế xã hội, xác định chính xác nhận thức của khách hàng, thói quen phong tục tập quán, truyền thống văn hoá lối sống, mục đích tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ, khả năng thanh toán. Khi xác định dịch vụ của mình thì doanh nghiệp cần phải xác định những phân đoạn thị trường phù hợp để có những biện pháp cụ thể những chỉ tiêu chất lượng đặt ra. Có như vậy thì mới mang lại được hiệu quả tốt trong kinh doanh.
2. Đối thủ cạnh tranh.
Thị trường vận tải thủy nội địa hiện nay đang diễn ra vô cùng sôi động, với khoảng 20 công ty Nhà nước và trên 30 công ty TNHH cả Việt Nam và liên doanh đang cùng cố gắng để giành thị phần lớn hơn về mình. Trong điều kiện kinh tế thị trường như hiện nay, để có thể tồn tại và phát triển ngày càng vững mạnh, các công ty phải cạnh tranh với nhau trong một môi trường hết sức gay gắt. Với quy mô của mình, Nosco hiện nay đang được xem là một công ty có vị thế khá nhỏ trên thị trường. Đối thủ cạnh tranh lớn nhất của công ty hiện nay là VINAFCO – Công ty cổ phần vận tải Trung ương, đây là một đối thủ có nhiều kinh nghiệm trên thị trường. VINAFCO hiện đang chiếm giữ khoảng trên 5,3% thị phần của thị trường, doanh thu hàng năm của VINAFCO đều đạt trên 50 tỷ đồng, thị trường của VINAFCO không chỉ phát triển mạnh ở thị trường đại lý vận tải nội địa mà còn là một đơn vị có vị thế lớn trong vận chuyển quốc tế. VINAFCO có một hệ thống phương tiện khá tốt, mạnh nhất là trong lĩnh vực đại lý vận tải bằng đường sắt và vận tải ôtô bằng container. Hiện nay, VINAFCO đã có phòng Thị trường riêng biệt, hoạt động khá năng động và hiệu quả. Phòng Thị trường của VINAFCO quản lý toàn bộ thị trường của công ty, các đơn vị sản xuất kinh doanh tự tìm kiếm khách hàng nhưng hàng tháng vẫn phải có báo cáo tình hình khách hàng lên phòng Thị trường; phòng Thị trường sẽ tập hợp các số liệu do tất cả các phòng gửi lên, tập trung nghiên cứu nhu cầu thị trường để đưa ra luận chứng đầu tư hoặc điều phối khách hàng giữa các đơn vị trong toàn công ty. Phòng Thị trường còn xem xét các vấn đề nổi cộm trong công ty về nhân lực, trình độ CBCNV, phương tiện thiết bị, kho bãi, nhà cửa, văn phòng … từ đó có hướng đầu tư, tuyển dụng để phát triển doanh nghiệp. Các nhân viên trong phòng Thị trường đều chủ động trong việc thu thập các tin tức từ thị trường, tiếp cận và giới thiệu với khách hàng về dịch vụ của công ty, về giá cả cạnh tranh và tinh thần phục vụ cũng như khả năng đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng để thu hút khách hàng về với công ty. Khi có hợp đồng, phòng lên công tác ký kết hợp đồng và phương án vận chuyển sao cho tìm được phương án tối ưu về loại hình, thời gian vận chuyển cũng như tối ưu về tiết kiệm chi phí cho cả công ty cũng như khách hàng, đảm bảo cung cấp cho khách hàng lợi ích tối đa từ chi phí bỏ ra. Vì vậy, vị thế của VINAFCO có thể coi là mạnh nhất trên thị trường hiện nay. Ngoài ra, phải kể đến một số công ty khác như Công ty vận tải biển Đông – Tổng công ty công nghiệp Tàu thủy Việt Nam, công ty Xuất nhập khẩu Seaprodex Hà Nội – Bộ thủy sản, công ty đường Biển Hà Nội, công ty vận tải Bắc Nam, công ty cổ phần vận tải 1-TRACO HANOI, công ty cổ phần Đại lý vận tải SAFI, công ty Đại lý vận tải quốc tế phía Bắc, công ty Cổ phần Hưng Đạo Container, công ty vận tải và thuê tàu Vietfracht – Bộ Giao thông vận tải, công ty vận tải ôtô số 2, số 3, số 8 – Cục đường bộ Việt Nam, công ty vận tải thủy1-Tổng công ty đường Sông miền Bắc, công ty vận tải thủy Hà Nội … Đây đều là những đối thủ cạnh tranh mạnh, có uy tín trong các hợp đồng vận tải trong nước cũng như vận tải quốc tế. Các công ty này, bên cạnh việc là đối thủ cạnh tranh của công ty, cũng còn là những bạn hàng liên kết của công ty trong một số trường hợp đại lý vận tải của công ty trên các tuyến đường thủy, đường sắt, đường ôtô … đặc biệt trên tuyến đường thủy. Mỗi công ty đều có phương thức kinh doanh khác nhau, góp phần cho thị trường này ngày càng sôi động.
3. Môi trường kinh doanh.
Hiện nay Tổng công ty Hàng hải Việt Nam có 7 đơn vị thành viên là : Công ty vận tải Thuỷ Bắc NOSCO, VOSCO,VITRANSTRAT,VINASHIP , Xí nghiệp liên hợp vận tải biển pha sông, FALCON, MAPETRANSCO.
Trong tình hình thường xuyên thiếu hàng, các công ty đã chủ động tìm hàng vận chuyển. Hàng trong nước ít, các đơn vị vận tải đã chủ động tìm hàng chở thuê trên tuyến nước ngoài và chở thuê hàng Việt Nam xuất khẩu theo điều kiện FOB cho chủ hàng nước ngoài. Trong năm 1996 công ty VOSCO, VITRANSTRART đã kí hợp đồng với chủ hàng trong nước và nước ngoài để vận chuyển một số lô hàng lớn gạo, than Việt Nam xuất khẩu. Trong 2 năm 1997 và 1998 sản lượng vận tải tăng lên đáng kể: Năm 1997 tăng 26% so với năm 1996, năm 1998 tăng 15% so với năm 1997. Đạt được tốc độ tăng trưởng này là do tăng các tuyến vận tải trong nước với tỉ lệ cao, năm 1997 bằng 164% so với năm 1996, năm 1998 bằng 145% năm 1997. Trái lại, vận tải nước ngoài hầu như tăng chậm, trong khi đó vận tải dầu thô xuất khẩu giảm đáng kể nguyên nhân do giá dầu thô trên thế giới giảm mạnh và Tổng công ty không có hàng để chuyên chở. Trong mấy năm gần đây đưới sự cạnh tranh gay gắt của đội tàu nước ngoài, việc tăng thị phần vận tải nước ngoài cũng như vận tải xuất nhập khẩu là việc hết sức khó khăn.
II. Phân tích bên trong
1. Nhân sự và trình độ quản lý.
Con người luôn là nhân tố quyết định đến sự thành bại của mỗi doanh nghiệp. Để thành công trong đàm phán, cạnh tranh thắng lợi với các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài thì người làm hàng hải phải vừa có trình độ kiến thức vận tải biển, ngoại thương, hiểu biết về luật lệ quốc tế … vừa phải có trình độ ngoại ngữ tốt.