VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI
ĐỖ HOÀNG PHÚC
SỬ DỤNG LIỆU PHÁP NHẬN THỨC HÀNH VI
TRONG TRỊ LIỆU TÂM LÝ CHO BỆNH NHÂN RỐI LOẠN
CẢM XÚC TẠI BỆNH VIỆN TÂM THẦN LONG AN
LUẬN VĂN THẠC SĨ TÂM LÝ HỌC
HÀ NỘI, 2020
VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI
ĐỖ HOÀNG PHÚC
SỬ DỤNG LIỆU PHÁP NHẬN THỨC HÀNH VI
TRONG TRỊ LIỆU TÂM LÝ CHO BỆNH NHÂN RỐI LOẠN
CẢM XÚC TẠI BỆNH VIỆN TÂM THẦN LONG AN
Chuyên ngành: Tâm lý học
Mã số: 8310401
NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC:
TS. VŨ THU TRANG
HÀ NỘI, 2020
LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan luận văn là công trình nghiên cứu khoa học, độc lập của
tôi; các số liệu, kết quả nêu trong luận văn là trung thực và có nguồn gốc rõ ràng.
TÁC GIẢ LUẬN VĂN
Đỗ Hoàng Phúc
LỜI CẢM ƠN
Luận văn là kết quả của quá trình học tập, nghiên cứu tại Học viện Khoa học
xã hội kết hợp với sự nỗ lực cố gắng của bản thân. Đạt được kết quả này, tôi xin bày
tỏ lòng biết ơn chân thành đến:
Quý Thầy/Cô giáo Học viện Khoa học xã hội, Khoa Tâm lý – Giáo dục đã
truyền đạt kiến thức, tận tình giúp đỡ tôi trong những năm học vừa qua. Đặc biệt,
tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc nhất đến Cô giáo, TS. Vũ Thu Trang – người
hướng dẫn khoa học đã dành nhiều thời gian quý báu giúp đỡ tôi trong suốt quá
trình học tập cũng như nghiên cứu và thực hiện luận văn.
Tôi xin chân thành cảm ơn Ban Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Long An,
Trưởng khoa và các chuyên viên tâm lý tại khoa Tâm lý lâm sàng, các bác sĩ, điều
dưỡng tại các khoa lâm sàng, cũng như các bệnh nhân tham gia nghiên cứu đã tạo
điều kiện giúp đỡ tôi hoàn thành luận văn của mình.
Cuối cùng, tôi xin chân thành cảm ơn gia đình, bạn bè đã động viên giúp đỡ
tôi trong quá trình thực hiện luận văn này./.
Xin gửi lời chúc sức khỏe, thành công và chân thành cảm ơn!
Hà Nội, ngày 13 tháng 03 năm 2020
TÁC GIẢ LUẬN VĂN
Đỗ Hoàng Phúc
MỤC LỤC
MỞ ĐẦU
………………………………………………………………………………………………………………. 1
Chương 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ SỬ DỤNG LIỆU PHÁP NHẬN THỨC HÀNH VI
TRONG TRỊ LIỆU TÂM LÝ CHO BỆNH NHÂN RỐI LOẠN CẢM XÚC ………….. 14
1.1. Liệu pháp trị liệu tâm lý
…………………………………………………………………………………… 14
1.2. Rối loạn cảm xúc ……………………………………………………………………………………………. 19
Chương 2: TỔ CHỨC VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU …………………………………. 33
2.1. Tổ chức nghiên cứu ………………………………………………………………………………………… 33
2.2. Phương pháp nghiên cứu …………………………………………………………………………………. 38
2.3. Mô tả quá trình áp dụng liệu pháp nhận thức hành vi ở bệnh nhân thuộc nhóm can
thiệp ……………………………………………………………………………………………………………………. 41
2.4. Đạo đức nghiên cứu ………………………………………………………………………………………… 44
Chương 3: THỰC TRẠNG SỬ DỤNG LIỆU PHÁP NHẬN THỨC – HÀNH VI
TRONG TRỊ LIỆU TÂM LÝ CHO BỆNH NHÂN RỐI LOẠN CẢM XÚC Ở BỆNH
VIỆN TÂM THẦN LONG AN …………………………………………………………………………….. 45
3.1. Hiệu quả sử dụng liệu pháp nhận thức hành vi trong điều trị bệnh nhân mắc rối loạn
trầm cảm tại Bệnh viện Tâm thần Long An
………………………………………………………………. 45
3.2. Nghiên cứu trường hợp điển hình bệnh nhân trầm cảm được trị liệu tâm lý bằng liệu
pháp nhận thức hành vi ………………………………………………………………………………………….. 51
KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ ……………………………………………………………………………….. 79
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
DANH MỤC TỪ VIẾT TẮT
TT
Các chữ viết
tắt
Các chữ viết đầy đủ
1
BVTTLA
Bệnh viện Tâm thần Long An
2
ICD-10
Phân loại thống kê quốc tế về các bệnh tật và vấn đề sức
khỏe liên quan (International Statistical Classification of
Diseases and Related Health Problems)
3
NTL
Nhà trị liệu
4
WHO
Tổ chức Y tế Thế giới (World Health Organization)
DANH MỤC CÁC BẢNG
Bảng 2.1. Khái quát về khách thể nghiên cứu theo độ tuổi ………………………………..
34
Bảng 2.2. Khái quát về khách thể nghiên cứu theo giới tính ………………………………
35
Bảng 2.3. Khái quát về các khách thể nghiên cứu theo tình trạng hôn nhân
…………
35
Bảng 2.4. Khái quát về các khách thể nghiên cứu theo trình độ học vấn ……………..
36
Bảng 2.5. Khái quát các khách thể nghiên cứu theo nghề nghiệp ……………………….
36
Bảng 2.6. Các triệu chứng trầm cảm của khách thể nghiên cứu trước khi điều trị
…
37
Bảng 2.7. Điểm nghiệm pháp Beck của hai nhóm trước khi điều trị
……………………
38
Bảng 3.1. Sự thay đổi các biểu hiện lâm sàng của bệnh nhân trầm cảm qua 4 tuần 45
Bảng 3.2. Sự thay đổi các biểu hiện lâm sàng của bệnh nhân trầm cảm qua 8 tuần 48
Bảng 3.3. Sự thay đổi điểm thang đo trầm cảm của Beck qua 04 tuần ở hai nhóm .
50
Bảng 3.4. Sự thay đổi điểm thang đo trầm cảm của Beck qua 8 tuần ở hai nhóm …
51
Bảng 3.5. Xác định mô hình ABCD trong trường hợp của T ……………………………..
59
Bảng 3.6. Xác định sự kiện A của bệnh nhân N.T.T …………………………………………
61
Bảng 3.7. Xác định suy nghĩ không hợp lý của bệnh nhân N.T.T
……………………….
61
Bảng 3.8. Mẫu cân bằng suy nghĩ …………………………………………………………………..
63
Bảng 3.9. Bảng ghi chuỗi hoạt động gây ra tâm trạng của bệnh nhân N.T.T
………..
66
Bảng 3.10. Các hoạt động có lợi cho sức khỏe chưa thực hiện được của N.T.T
……
69
Bảng 3.11. Thực hiện các bước vượt qua khó khăn của N.T.T …………………………..
71
Bảng 3.12. Các hoạt động trách nhiệm và bản thân thích làm của N.T.T ……………
72
Bảng 3.13. Đánh giá mức độ thích thú trước và sau hoạt động của bệnh N.T.T
……
73
Bảng 3.14. Các hoạt động đóng góp vào sự thành công vượt qua trầm cảm của
N.T.T ………………………………………………………………………………………………………….
74
Bảng 3.15. Xác định tình huống nguy và mức độ tâm trạng của N.T.T ……………….
75
Bảng 3.16. Xác định giải pháp và tự tin vượt qua trầm cảm của N.T.T ……………….
75
DANH MỤC BIỂU, HÌNH
Biểu đồ 3.1. Sự thay đổi về tần suất xuất hiện các triệu trứng lâm sàng của hai nhóm
sau 04 tuần điều trị ……………………………………………………………………………………….
47
Biểu đồ 3.2. Sự thay đổi về tần suất xuất hiện các triệu trứng lâm sàng của hai nhóm
sau 08 tuần điều trị ……………………………………………………………………………………….
50
Hình 3.1. Sự kiện gây khó chịu
………………………………………………………………………
64
1
MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Việt Nam đang bước vào thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa, đang phấn
đấu để trở thành một nước có nền công nghiệp văn minh và phát triển để hòa nhập
với nền văn minh của thế giới. Tuy nhiên, bất cứ sự phát triển nào cũng có tính hai
mặt của nó. Một mặt, khi xã hội càng phát triển với tốc độ vũ bão, kéo theo sự tiến
bộ của khoa học kỹ thuật và nền kinh tế, đời sống vật chất của con người ngày càng
được nâng cao. Mặt khác, khối lượng và cường độ công việc cao, đòi hỏi con người
phải cố gắng không ngừng. Con người ngày càng thiếu thời gian cho bản thân và
người khác, ít quan tâm đến nhau, chia sẻ những khó khăn với nhau trong cuộc
sống. Khi xã hội tạo ra cho con người nhiều áp lực, thì con người ngày càng căng
thẳng và đã làm nảy sinh một số rối loạn như lo âu, stress, trầm cảm…
Những nghiên cứu về tỷ lệ mắc cũng như các yếu tố liên quan tới vấn đề sức
khỏe tâm trí đang chỉ ra rằng, người dân Việt Nam có thể có nguy cơ mắc vấn đề sức
khỏe tâm trí tăng lên, đặc biệt đối vối với trẻ em và người làm việc văn phòng.
Nghiên cứu dịch tễ học gần đây sử dụng bộ câu hỏi SDQ bản dùng cho cha mẹ chỉ ra
tỷ lệ mắc vấn đề sức khỏe tâm trí trẻ em và trẻ vị thành niên tại Đà Nẵng là 9.1%
[49]. Trong các rối loạn tâm thần, rối loạn cảm xúc là căn bệnh phổ biến thứ hai,
khoảng 5% dân số thế giới mắc phải chứng bệnh này. Tại Việt Nam, rối loạn cảm xúc
chỉ thực sự được quan tâm trong khoảng hơn một thập niên gần đây, trước đó chủ yếu
là các nghiên cứu về bệnh tâm thần phân liệt. Theo thống kê của Sở Y tế Thành phố
Hồ Chí Minh vào năm 2018, tại Việt Nam, có khoảng 15% dân số mắc các rối loạn
tâm thần phổ biến liên quan tới stress, 3 triệu người bị rối loạn tâm thần nặng [29].
Còn thông báo tại Viện Sức khỏe Tâm thần cho thấy có 30% dân số Việt Nam mắc
các bệnh rối loạn tâm thần, trong đó tỷ lệ rối loạn cảm xúc chiếm 25% [6].
Rối loạn cảm xúc và đặc biệt là trầm cảm là một rối loạn tâm lý cần phải can
thiệp kịp thời, để lâu sẽ khó điều trị và có thể gây ra những hệ luỵ nghiêm trọng. Ở
Việt Nam hiện nay, điều trị rối loạn cảm xúc chủ yếu bằng phương pháp hoá dược,
trong khi rối loạn cảm xúc là một bệnh tâm căn và cần phải được can thiệp kết hợp
bằng liệu pháp tâm lý trong quá trình điều trị. Ngày nay, điều trị tâm lý đã trở thành
hình thức trợ giúp quen thuộc và được chấp nhận rộng rãi trong cộng đồng. Các
phiên trị liệu có thể dành cho người có những rối loạn lo âu, trầm cảm, nhưng cũng
có thể mang lại lợi ích cho người có sức khỏe tâm thần khỏe mạnh. Một trong
2
những liệu pháp tâm lý được áp dụng rộng rãi và mang lại hiệu quả rõ rệt chính là
liệu pháp nhận thức hành vi. Liệu pháp này giúp bệnh nhân xác định và đối phó với
những thách thức cụ thể trong trị liệu. Đây là phương pháp trị liệu được cả nhà tâm
lý và thân chủ ưa thích vì nó có cấu trúc rõ ràng, có thể được thực hiện trong thời
gian ngắn và mang lại kết quả nhanh chóng. Trên thế giới, hiệu quả của liệu pháp
nhận thức hành vi trong điều trị rối loạn tâm lý nói chung và rối loạn cảm xúc nói
riêng đã được khẳng định. Tại Việt Nam, tuy liệu pháp nhận thức hành vi đã được
áp dụng trong trị liệu tâm lý nhưng còn thiếu những nghiên cứu đánh giá một cách
có hệ thống về hiệu quả của liệu pháp này.
Xuất phát từ mức độ phổ biến của rối loạn cảm xúc trong xã hội ngày nay và
từ thực tế áp dụng liệu pháp nhận thức hành vi trong điều trị rối loạn cảm xúc,
chúng tôi thực hiện đề tài “Sử dụng liệu pháp nhận thức hành vi trong trị liệu tâm
lý cho bệnh nhân rối loạn cảm xúc tại Bệnh viện Tâm thần Long An”.
2. Tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài
2.1. Các nghiên cứu về rối loạn cảm xúc
Các báo cáo nghiên cứu gần đây cho thấy, vấn đề sức khỏe tâm thần có xu
hướng gia tăng. Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trên 25% dân số
thế giới bị rối loạn tâm thần và hành vi tại một thời điểm nào đó trong cuộc đời
[76]. Tần suất ước tính của rối loạn lưỡng cực loại 1 là 0% – 0.6%, trong khi đối với
rối loạn lưỡng cực loại 2, tỉ lệ trên toàn thế giới là 0.3%; nhưng lên đến 2.7% ở
người cao tuổi hoặc dưới 12 tuổi [50].
So với nhiều rối loạn tâm lý khác, rối loạn cảm xúc là một loại rối loạn tương
đối phổ biến, trong đó trầm cảm là loại rối loạn cảm xúc phổ biến nhất và cũng
được nghiên cứu nhiều nhất.
Một nghiên cứu ở Mỹ năm 2014 tìm ra rằng, hàng năm có khoảng 37.500
người bị rối loạn cảm xúc trong đó 17.600 người mắc chứng trầm cảm, nhưng hơn
2/3 người trầm cảm mà không biết mình bị trầm cảm. Con số báo động là có tới
48% người trầm cảm có ý tưởng tự sát, trong đó 24% những người có ý tưởng tự sát
vì không nhận được sự hỗ trợ điều trị bệnh trầm cảm [73].
Năm 2012, rối loạn trầm cảm chủ yếu chiếm 10.3% trong các nguyên nhân
hàng đầu dẫn đến tàn tật suốt đời trên toàn cầu, và ước tính có 350 triệu người ở tất
cả nhóm tuổi đang trải qua trầm cảm trên toàn thế giới [78]. WHO dự đoán rằng đến
năm 2020, trầm cảm là căn bệnh thứ hai gây hại đến sức khỏe của con người chỉ sau
3
tim mạch. Đến năm 2030, trầm cảm sẽ là một trong ba nguyên nhân gây nên tàn tật
suốt đời có thể chữa được [79].
Theo thống kê của một số nước châu Âu, rối loạn trầm cảm dao động từ 3-
4% dân số [73]. Một nghiên cứu ở Ucraina của Tintle N (2011) cho kết quả 14,4%
phụ nữ và 7,1% nam giới độ tuổi từ 50 trở lên bị trầm cảm [33].
Theo Laura A. Pratt (2008), tại Mỹ, trong vòng 2 tuần lễ có 5,4% người từ
12 tuổi trở lên bị trầm cảm [63, tr.7]. Khoảng 80% người bị trầm cảm đã báo cáo bị
ảnh hưởng đến khả năng làm việc, duy trì cuộc sống gia đình và các hoạt động xã
hội khác của họ. Tổng thiệt hại ước tính khoảng 2/3 trong tổng 80 tỷ USD trong
năm 2000 vì khả năng sản xuất kém và hay nghỉ việc.
Cũng trong một nghiên cứu về tỷ lệ trầm cảm của tác giả Scott B Patten
(2006) đưa ra tỷ lệ trầm cảm chung trong cả cuộc đời là 12,2%, trầm cảm trong năm
qua là 4,8%, trầm cảm trong 30 ngày tính đến thời điểm nghiên cứu là 1,8%. Trầm
cảm chủ yếu phổ biến ở phụ nữ (5%) hơn ở nam giới (2,9%) [53].
Các nghiên cứu với quy mô, nhóm dân số và các rối loạn khác nhau tại Việt
Nam đã dần dần cho thấy những khía cạnh khác nhau của sức khỏe tâm thần. Ở
mức cấp nhà nước, chỉ có duy nhất một nghiên cứu dựa trên dân số mang tính đại
diện quốc gia được tiến hành ở 6 vùng kinh tế xã hội bởi bệnh viện Tâm thần trung
ương 1 vào năm 2002. Theo nghiên cứu này, rối loạn chiếm tỉ lệ cao nhất là nghiện
rượu (5.3%), kế đến là trầm cảm (2.8%), đứng thứ ba là rối loạn lo âu (2.6%) [6].
Tuy nhiên, các nghiên cứu dịch tễ học trầm cảm sau sinh cho thấy tỉ lệ xuất hiện cao
hơn lên đến 33% [6]. Nghiên cứu dịch tễ học quốc gia lần thứ hai về các rối loạn
tâm thần đã được thực hiện bởi bệnh viện Tâm thần trung ương 1 năm 2012, tuy
nhiên kết quả nghiên cứu vẫn chưa được công bố.
Theo Nguyễn Viết Thêm (2001), điều tra dịch tễ 10 bệnh tâm thần tại 8 địa
điểm của các vùng sinh thái khác nhau, cho kết quả về tỷ lệ mắc các bệnh tâm thần
là 12,5%, trong đó rối loạn trầm cảm F32: 2,47%; rối loạn lo âu F41: 2,27% dân số.
Tỷ lệ bệnh nhân khám tại các cơ sở y tế nhà nước là 31,9%; tại các cơ sở y tế tư
nhân là 21,9% và số bệnh nhân chưa bao giờ đi khám là 68,5%. Thái độ của gia
đình, cộng đồng đối với thân chủ còn xa lánh, hắt hủi chiếm 68,5%. [35]
Năm 2004, Trần Viết Nghị và cộng sự đã điều tra dịch tễ 10 bệnh tâm thần
tại phường Gia Sàng – thành phố Thái Nguyên cho thấy các tỷ lệ như sau: bệnh tâm
thần phân liệt F20: 0,26%; rối loạn trầm cảm F32: 2,6%; rối loạn lo âu F41: 2,98%
[25, tr.76-83].
4
Theo Nguyễn Văn Siêm (2010) nghiên cứu tại xã Quất Động, Thường Tín
Hà Tây cho thấy tỷ lệ mắc rối loạn trầm cảm là 8,35% dân số ≥ 15 tuổi. Tỷ lệ bệnh
nhân nữ/ nam là 5/1. Tỷ lệ mắc ở độ tuổi 30-59 là 58,21%, từ 60 tuổi trở lên là
36,9%. Tỷ lệ mới mắc là 0,48%. Đại đa số bệnh nhân (94,24%) mắc bệnh trên 1
năm. Số mắc bệnh trên 4 năm có tỷ lệ 70,3%. Tính chất tiến triển mạn tính rất rõ rệt
(93,6% là trầm cảm tái diễn). Các giai đoạn trầm cảm đơn độc chiếm 6,3% số ca.
Trầm cảm tái diễn có loạn thần tỷ lệ 2,3% và rối loạn cảm xúc lưỡng cực 3,46%
[28, tr. 71-74].
Trong một nghiên cứu tầm soát rối loạn lưỡng cực trên bệnh nhân trong giai
đoạn mắc trầm cảm tại bệnh viện Tâm thần trung ương 2 năm 2011, rối loạn lưỡng
cực thường gặp trên bệnh nhân trong giai đoạn mắc trầm cảm với tỉ lệ là 29,5%. Tỷ
lệ phát hiện lưỡng cực giữa hai giới nam và nữ là không có sự khác biệt. Tuổi khởi
phát: 60,6% bệnh nhân khởi phát trước 25 tuổi và có tới 21,4% bệnh nhân có tiền sử
gia đình bị rối loạn lưỡng cực [21].
Nếu trước kia người mắc trầm cảm đa phần nằm trong độ tuổi từ 60 – 65 tuổi,
thì hiện nay trầm cảm đang có xu hướng trẻ hóa với độ tuổi từ 15 – 27 tuổi. Nữ giới
bị trầm cảm nhiều hơn nam giới. Trung bình cứ 2 bệnh nhân nữ mới có 1 bệnh nhân
nam bị trầm cảm. Tại các cơ sở y tế chuyên khoa, số lượng bệnh nhân đến thăm
khám các bệnh lý liên quan đến trầm cảm tăng 20 – 30% mỗi năm [29]. Đặc biệt
thời gian gần đây các bệnh viện cũng ghi nhận có sự gia tăng đáng kể của bệnh
nhân trầm cảm trẻ tuổi, đa số là học sinh, sinh viên. Việc thường xuyên gặp áp lực
học hành thi cử cũng như sự kỳ vọng quá lớn của cha mẹ là hai nguyên nhân chính
dẫn đến tình trạng trẻ hóa rối loạn trầm cảm ở Việt Nam hiện nay. Trầm cảm cũng
là một trong những nguyên nhân làm gia tăng số người tự tử ở Việt Nam. Ước tính
mỗi năm có hàng chục ngàn người tự tử do trầm cảm, gấp 2,5 lần so với số người
chết vì tai nạn giao thông. Trong một nghiên cứu cắt ngang được tiến hành trên
1.161 học sinh trung học cơ sở tại thành phố Cần Thơ năm 2011, một bảng câu hỏi
đã được sử dụng để đánh giá rối loạn lo âu, trầm cảm và ý định tự sát. Kết quả cho
thấy tỉ lệ các triệu chứng đủ ngưỡng để chẩn đoán rối loạn lo âu là 22.8% và trầm
cảm là 41.1%. Có đến 26.3% học sinh đã từng cân nhắc ý định tự tử, trong khi 12.%
đã có kế hoạch tự tử và 3.8% đã từng cố gắng tự tử [52]. Các nghiên cứu cũng chỉ ra
nhiều yếu tố tác động đến tình trạng rối loạn cảm xúc, gồm cả các yếu tố về điều
kiện kinh tế xã hội, yếu tố về thể chất và các yếu tố tâm lý.
5
Nhiều nghiên cứu về kiểm soát cảm xúc do Gloaguen V., Cottraux V,
Coucher J , Coucherat M et al và cộng sự thực hiện đã chỉ ra mối liên hệ giữa mức
độ thiếu khả năng kiểm soát cảm xúc với các biểu hiện rối loạn hành vi ở học sinh
phổ thông như khuynh hướng sống thu mình lại, lo hãi và trầm cảm, thiếu tập trung,
dễ phạm tội và gây hấn. Khi quan sát học sinh tiểu học vào những ngày nhận học
bạ, các nhà nghiên cứu nhận thấy, những em nhận được điểm thấp hơn mong đợi
thường có biểu hiện tâm lý nặng nề [59]. Những em cho rằng mình bị điểm kém do
lỗi bản thân thường bị trầm cảm nhiều hơn so với những em tin rằng điểm kém là
do hoàn cảnh [59].
Khi nghiên cứu các yếu tố liên quan đến trầm cảm tác giả Egede (2010) đã
chỉ ra rằng đái tháo đường và trầm cảm là 2 bệnh liên quan chặt chẽ với gánh nặng
bệnh tật, tử vong và chi phí chăm sóc sức khỏe [54]. Sự song hành của trầm cảm và
đái tháo đường có liên quan đến giảm khả năng điều trị, giảm chuyển hóa, tăng biến
chứng, giảm chất lượng cuộc sống, tăng chi phí điều trị, tăng mức độ tàn tật và giảm
khả năng lao động và tất yếu gia tăng nguy cơ tử vong. Khoảng 60% bệnh nhân
HIV/AIDS bị trầm cảm [54].
Theo Tạp chí Substance Abuse and Mental Health Services Administration
(2008), nghiên cứu trầm cảm ở nhóm người đang làm việc độ tuổi 18-64 cho thấy tỷ
lệ trầm cảm ở các nhóm nghề nghiệp khác nhau: Người làm công việc chăm sóc cá
nhân và dịch vụ là 10,8%, chế biến thực phẩm 10,3%, công tác xã hội 9,6%, chăm
sóc sức khỏe và kỹ thuật 9,6%, làm nghệ thuật, thiết kế, quảng cáo, thể thao, truyền
thông: 9,1% [57]
Do thiếu hụt về mặt nhân lực và phân bổ nguồn lực không thích hợp, có đến
85% dân số có các rối loạn tâm thần ở những quốc gia có thu nhập thấp và trung
bình mà không được điều trị [77]. Những thiếu sót điều trị này do một vài các yếu
tố, thường là thiếu tài chính và nhân lực dẫn đến chất lượng các dịch vụ chăm sóc
sức khỏe kém, cũng như không được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc và bị kỳ thị khi
có các rối loạn tâm thần. Tại Việt Nam, ngoài những nguyên nhân kể trên còn do
khía cạnh văn hóa, thiếu kiến thức về các bệnh tâm thần và hầu như các nhân viên y
tế không thuộc lĩnh vực tâm thần chưa được cung cấp khóa học đào tạo về vấn đề
tầm soát và điều trị trầm cảm [70]. Năm 2011, chỉ có 1,01 bác sĩ tâm thần trên
100.000 người ở Việt Nam so với trung bình 15,6 bác sĩ tâm thần mỗi 100.000
người ở các nước phát triển [71]. Năm 2014 con số này cũng chỉ tăng lên 1,03 bác
6
sĩ tâm thần trên 100.000 người [75]. Một vấn đề đáng quan tâm là số lượng các bác
sĩ tâm thần đã giảm trong những năm gần đây.
2.2. Các nghiên cứu về liệu pháp nhận thức hành vi trong điều trị rối loạn
cảm xúc
Liệu pháp nhận thức hành vi là một trong những liệu pháp tâm lý được nhiều
nhà tâm lý lâm sàng sử dụng trong quá trình trị liệu tâm lý cho các cá nhân có rối
loạn tâm lý. Nhiều nghiên cứu đã được thực hiện để tìm hiểu về việc áp dụng liệu
pháp nhận thức hành vi trong trị liệu tâm lý và sự phù hợp của liệu pháp này với
tình hình Việt Nam.
Năm 1961, Aaron Beck và cộng sự đã cho rằng vấn đề nhận thức có vai trò
quan trọng trong trầm cảm. Tác giả cho rằng, trầm cảm phát sinh là do con người
thường giải thích và nhìn nhận sai lệch về những tác nhân của môi trường tác động
vào cơ thể, chính vì vậy Beck đã dùng liệu pháp nhận thức để điều trị trầm cảm [1].
Dựa trên nghiên cứu tiên phong của Beck, nhiều mô hình, chương trình trị
liệu nhận thức hành vi đã được xây dựng trong trị liệu rối loạn cảm xúc, như
chương trình của Philip Kendall ở Trường Đại học Temple, Mỹ (1994) với tên gọi
“Coping cat workbook” [74]. Ở Úc, Paula Brett và Sane Hollmess (1999) xây dựng
một chương trình can thiệp sớm với tên gọi “Friends program” và đã được Wignall
và Rapse (1998, Đại học Queensland) ứng dụng trong điều trị rối loạn cảm xúc [74].
Cho đến ngày nay các phương pháp này tiếp tục được ứng dụng ở nhiều nước.
Tại Việt Nam, các nghiên cứu về ứng dụng liệu pháp nhận thức hành vi trong
điều trị rối loạn cảm xúc đã được nghiên cứu về cả cách thức áp dụng và hiệu quả
điều trị. Trong đó, ứng dụng liệu pháp nhận thức hành vi trong điều trị trầm cảm
được nghiên cứu phổ biến nhất vì như đã chỉ ra ở phần 2.1, trong số các rối loạn
cảm xúc, trầm cảm là rối loạn thu hút sự chú ý của các nhà nghiên cứu Việt Nam
nhiều nhất. Có thể kể ra một số nghiên cứu tiêu biểu như sau:
Tác giả Trương Văn Lợi (2013), Ứng dụng liệu pháp hoạt hóa hành vi can thiệp
cho bệnh nhân trầm cảm đang điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương I, Luận văn
Thạc sĩ Tâm lý học, Đại học Quốc gia Hà Nội-Trường Đại học Giáo dục cũng đã chỉ ra
những dấu hiệu của bệnh trầm cảm trên kết quả nghiên cứu thực nghiệm từ các bệnh
nhân trầm cảm tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương I [21] Trên cơ sở các hạn chế được
rút ra, tác giả đã đề xuất cơ chế điều trị bằng các biện pháp tâm lý.
7
Tác giả Lâm Tứ Trung (2011), Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng và điều trị
bệnh nhân trầm cảm bằng liệu pháp kích hoạt hành vi tại Bệnh viện tâm thần thành
phố Đà Nẵng, Luận án chuyên khoa II-Tâm thần học, Đại học Y Hà Nội.[42]
Nghiên cứu của Đặng Hoàng Hải (2003) về “Đánh giá hiệu quả của biện
pháp hướng dẫn trong điều trị trầm cảm tại Trung tâm sức khỏe Tâm thần Thành
phố Hồ Chí Minh”, Thư viện Bệnh viện Tâm thần TP.HCM.[14]
Nghiên cứu của Giang Ngọc Thụy Vi (2016), Nhận thức của thân chủ trầm
cảm về biểu hiện, nguyên nhân và cách điều trị rối loạn này, Luận văn thạc sĩ tâm lý
học, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội. Mục đích của nghiên cứu
nhằm đánh giá thực trạng nhận thức về (a) biểu hiện của trầm cảm; (b) nguyên nhân
gây trầm cảm; (c) cách thức và hiệu quả của can thiệp; (d) năng lực vận dụng kiến
thức cho bản thân. Từ đó, đưa ra một số khuyến nghị, đề xuất cho các cơ sở chuyên
khoa và cộng đồng nhằm tìm các biện pháp nâng cao hiểu biết về bệnh trầm cảm
cũng như ứng dụng và phát triển những liệu pháp tâm lý phù hợp với nguồn lực sẵn
có mà vẫn được chấp nhận về mặt khoa học, văn hóa, kinh tế và xã hội.[43]
Tác giả Ngô Thị Minh Tâm (2013), Bước đầu áp dụng liệu pháp nhận thức
hành vi cho bệnh nhân có rối loạn trầm cảm ở Bệnh viện Tâm thần Huế, Luận văn
Thạc sĩ Tâm lý học, Trường Đại học Giáo dục Đại học Quốc gia Hà Nội. Tác giả đã
tổng quan các công trình nghiên cứu cụ thể đối với việc áp dụng liệu pháp hành vi
trong điều trị bệnh trầm cảm, sử dụng mô hình trị liệu, thực hiện phỏng vấn, xem
xét, nghiên cứu hồ sơ của một số bệnh nhân tại Bệnh viện Tâm thần Huế để xem xét
hiệu quả của phương pháp nhận thức hành vi, từ đó đề xuất các biện pháp hữu hiệu
nhằm giúp tăng cường điều trị bệnh đối với các trường hợp tương tự khác [32]. Để
nghiên cứu tác giả đã sử dụng tổng hợp nhiều phương pháp như nghiên cứu tài liệu,
quan sát, trường hợp ca, phỏng vấn, test đánh giá và thực nghiệm.
Tác giả Lê Thị Minh Tâm (2015), Tiếp cận trị liệu nhận thức hành vi phối
hợp giữa lý thuyết và thực hành áp dụng trong tham vấn tâm lý và hỗ trợ sức khỏe
tinh thần, sách chuyên khảo. Tác giả đã phác thảo những điểm chính yếu về sự phát
triển của Trị liệu nhận thức hành vi và nền tảng lý thuyết của nó trước khi hướng
người đọc đến tầm quan trọng của việc áp dụng Trị liệu nhận thức hành vi trong các
vấn đề cụ thể bao gồm cả nhiệm vụ tinh tế và phức tạp trong việc kiểm soát nguy cơ
gây bệnh [31]. Trái tim của liệu pháp là quan tâm và xây dựng mối quan hệ cảm xúc
phù hợp giữa thân chủ và nhà tham vấn, trong đó, nhiệm vụ ban đầu và cơ bản đối
với một nhà tham vấn là hiểu vấn đề thông qua huấn luyện, kỹ năng của họ và phản
8
ứng cảm xúc của chính họ, các trải nghiệm tâm lý và cảm xúc của thế giới nội tâm
với thân chủ của họ.
Tác giả Huỳnh Hồ Ngọc Anh (2012), Tác động của trị liệu nhận thức hành vi
đến học sinh trung học phổ thông có rối loạn lo âu dựa trên định hình trường hợp,
Luận văn Thạc sĩ, Trường Đại học Giáo dục. Tác giả đã hệ thống hóa những vấn đề
lý luận về học sinh trung học phổ thông và rối loạn lo âu thường gặp ở độ tuổi này.
Xây dựng cấu trúc trị liệu bằng mô hình hành vi – nhận thức có thể áp dụng đối với
học sinh trung học phổ thông có rối loạn lo âu. Thiết kế mô hình định hình trường
hợp đối với những thân chủ có rối loạn lo âu.[2]
Riêng với rối loạn trầm cảm, việc sử dụng liệu pháp nhận thức – hành vi trong
điều trị đã chứng minh hiệu quả rõ rệt. Với những trường hợp trầm cảm nhẹ hoặc vừa,
liệu pháp nhận thức hành vi cho thấy có hiệu quả tương đương hoặc thậm chí hiệu quả
cao hơn việc điều trị bằng các thuốc chống trầm cảm. Riêng đối với trường hợp trầm
cảm nặng, rất ít khi chỉ sử dụng một mình liệu pháp nhận thức hành vi mà thường dùng
kết hợp với thuốc chống trầm cảm. Rất nhiều nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng ngẫu
nhiên có đối chứng đã so sánh hiệu quả điều trị của liệu pháp nhận thức hành vi so với
các phương pháp điều trị tâm lý khác hoặc so sánh với các thuốc chống trầm cảm trong
điều trị giai đoạn cấp tính của rối loạn trầm cảm.
Hollon và cộng sự khi nghiên cứu trên 106 bệnh nhân trầm cảm trong thời gian
12 tuần nhận thấy liệu pháp nhận thức hành vi có hiệu quả ngang với impramin [62].
Ostacher và Yeoh khi nghiên cứu trên 71 bệnh nhân trầm cảm trong đó có 25 bệnh
nhân được điều trị bằng liệu pháp nhận thức hành vi kết hợp với một loại thuốc chống
trầm cảm và 46 bệnh nhân được điều trị bằng liệu pháp nhận thức hành vi nhóm đều có
đáp ứng rõ rệt với các phương pháp điều trị. Tuy nhiên sự đáp ứng này không có sự
khác biệt giữa hai nhóm [72]. Nói cách khác, liệu pháp nhận thức hành vi nhóm có hiệu
quả tương đương với liệu pháp nhận thức hành vi kết hợp kê thuốc.
Một nghiên cứu khác của Friedman và cộng sự so sánh hiệu quả của thuốc và
trị liệu nhận thức hành vi trên những đối tượng trầm cảm kết hợp với rối loạn nhân
cách hoặc không có rối loạn nhân cách cũng cho thấy rằng sự ảnh hưởng nhất định
của các đặc điểm rối loạn nhân cách đến khả năng đáp ứng với điều trị ở những
bệnh nhân này trong thời điểm 16 tuần điều trị, thể hiện ở 66% đáp ứng tốt với
thuốc và 44% đáp ứng tốt với trị liệu nhận thức hành vi với những người trầm cảm
kết hợp với rối loạn nhân cách. Trong khi đó, 49% bệnh nhân đáp ứng với thuốc và
9
70% bệnh nhân đáp ứng với trị liệu nhận thức hành vi ở nhóm bệnh trầm cảm
nhưng không đi kèm với các biểu hiện của rối loạn nhân cách [57].
Liệu pháp nhận thức hành vi không chỉ có hiệu quả trong giai đoạn cấp tính
của rối loạn trầm cảm mà còn có tác dụng phòng ngừa tái phát và giảm đáng kể tỷ lệ
tái phát ở các bệnh nhân trầm cảm. Gloaguen V, CottrauxJ. và cộng sự khi tổng hợp
phân tích 8 công trình nghiên cứu với tổng 241 bệnh nhân đã nhận thấy tỷ lệ tái phát
ở bệnh nhân được điều trị liệu pháp nhận thức hành vi là 29,5% trong khi đó nhóm
được điều trị bằng thuốc chống trầm cảm ba vòng tỷ lệ tái phát là 60% [59].
Steven Hollon và cộng sự (2005) đã tiến hành một nghiên cứu dài hơi nhằm
theo dõi tiến triển của bệnh nhân trầm cảm được điều trị bằng thuốc và điều trị nhận
thức hành vi. Nhóm tác giả so sánh giữa thời điểm điều trị tích cực và một năm sau
giai đoạn điều trị tích cực. Có 104 bệnh nhân tham gia điều trị tích cực để tiếp tục
tham gia gia đoạn 2 của nghiên cứu và thường xuyên cập nhật thông tin cho nhóm
nghiên cứu sau 12 tháng. Dù có một số người bỏ dở giữa chừng, nhưng kết quả
nghiên cứu chỉ rõ các bệnh nhân của nhóm trị liệu nhận thức hành vi có tỉ lệ bỏ dở
giữa chừng thấp hơn nhóm điều trị bằng thuốc. Về mức độ tái phát các triệu chứng
trầm cảm, những bệnh nhân bỏ giữa chừng liệu pháp nhận thức hành vi có mức độ
tái phát thấp hơn so với những bệnh nhân trị liệu thuốc bỏ dỡ giữa chừng (30.8% và
76.2%). Đối với những bệnh nhân tuân thủ điều trị nhận thức hành vi đến cùng, tỉ lệ
tái phát ở nhóm trị liệu nhận thức hành vi (30.8%) trong khi đó đối với nhóm dùng
thuốc là (47.2%). Kết quả này khẳng định tuyệt đối ưu thế của liệu pháp nhận thức
hành vi trong điều trị rối loạn trầm cảm [62].
Tóm lại, kết quả nghiên cứu cho thấy rằng hiệu quả của liệu pháp nhận thức
hành vi bằng hoặc hơn hẳn với việc điều trị bằng thuốc, và liệu pháp nhận thức
hành vi có tác dụng lâu dài hơn trị liệu bằng thuốc. Các cá nhân sau khi tham gia trị
liệu liệu pháp nhận thức hành vi thì có thể sử dụng được những kỹ năng đối phó với
nguy cơ tái phát trong tương lai.
Nhìn chung, những công trình nghiên cứu ở Việt Nam trải rộng các mặt từ
khảo sát thực trạng, nguyên nhân cho đến áp dụng mô hình trị liệu nhận thức hành
vi… Các nghiên cứu trên cho thấy mức độ phổ biến của rối loạn cảm xúc, đặc biệt là
trầm cảm và ảnh hưởng của nó đến đời sống con người. Các nghiên cứu cũng cho
thấy liệu pháp nhận thức hành vi đã được áp dụng phổ biến trong trị liệu rối loạn
cảm xúc cho bệnh nhân ở nhiều lứa tuổi và đã cho thấy những hiệu quả nhất định.
Tuy nhiên, xét về số lượng các công trình nghiên cứu cũng như quy mô nghiên cứu
10
tại Việt Nam còn hạn chế so với các công trình nghiên cứu trên thế giới. Những
nghiên cứu trên cũng cho thấy các nguy cơ và thách thức đối với các nhà tâm lý lâm
sàng trong việc chăm sóc sức khỏe tâm thần cho cộng đồng. Điều này cho thấy, việc
tiếp tục có các nghiên cứu sâu hơn về các rối loạn cụ thể trong vấn đề sức khỏe tâm
thần và phương pháp can thiệp tâm lý là cần thiết, để góp phần nâng cao chất lượng
cuộc sống cho xã hội. Đề tài này tập trung nghiên cứu liệu pháp nhận thức hành vi
trong trị liệu rối loạn cảm xúc ở bệnh nhân ở BVTTLA, chỉ rõ những đặc trưng của
bệnh nhân và cách thức áp dụng trị liệu nhận thức hành vi tại bệnh viện này, từ đó
hướng tới nâng cao hiệu quả trị liệu rối loạn cảm xúc bằng liệu pháp nhận thức hành
vi tại BVTTLA.
3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
3.1. Mục đích nghiên cứu
Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực trạng áp dụng liệu pháp nhận thức hành vi
trong trị liệu tâm lý cho bệnh nhân rối loạn cảm xúc, từ đó đề xuất một số kiến nghị
trong việc sử dụng liệu pháp nhận thức hành vi trong trị liệu tâm lý cho bệnh nhân
rối loạn cảm xúc tại Bệnh viện Tâm thần Long An.
3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
– Xây dựng cơ sở lý luận về sử dụng liệu pháp nhận thức hành vi trong trị
liệu tâm lý cho bệnh nhân rối loạn cảm xúc.
– Nghiên cứu thực trạng sử dụng liệu pháp nhận thức hành vi trong trị liệu
tâm lý cho bệnh nhân rối loạn cảm xúc tại BVTTLA và kết quả đạt được.
– Đề xuất một số kiến nghị về việc sử dụng liệu pháp nhận thức hành vi trong
trị liệu tâm lý cho bệnh nhân rối loạn cảm xúc tại BVTTLA.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
4.1. Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng của đề tài là liệu pháp nhận thức hành vi và việc áp dụng liệu pháp
này trong trị liệu tâm lý cho bệnh nhân có rối loạn cảm xúc.
4.2. Phạm vi nghiên cứu
– Giới hạn về nội dung nghiên cứu: Rối loạn cảm xúc bao gồm hưng cảm,
trầm cảm và rối loạn cảm xúc lưỡng cực. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai
nghiên cứu tại BVTTLA, chúng tôi nhận thấy rối loạn trầm cảm là rối loạn phổ biến
nhất của bệnh nhân đến điều trị tại bệnh viện. Việc điều trị rối loạn trầm cảm bằng
liệu pháp nhận thức hành vi tại BVTTLA có quy trình rõ ràng hơn so với các rối
11
loạn cảm xúc khác. Vì vậy, đề tài tập trung nghiên cứu trên bệnh nhân được chẩn
đoán rối loạn trầm cảm.
– Giới hạn về thời gian nghiên cứu: Nghiên cứu được thực hiện trên 60 bệnh
nhân được chẩn đoán rối loạn trầm cảm giai đoạn nhẹ, trung bình và nặng không
kèm các triệu chứng loạn thần (theo tiêu chuẩn chẩn đoán ICD-10) trong thời gian
từ 01/09/2019 đến 01/11/2019.
5. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu
5.1. Cơ sở lý luận
Luận văn được thực hiện trên cơ sở một số nguyên tắc phương pháp luận cơ
bản của tâm lý như sau:
* Tiếp cận tâm lý học lâm sàng
Các lý thuyết cũng như nghiên cứu thực trạng của đề tài được thực hiện dựa
trên các lý thuyết tâm lý học, mà cụ thể là tâm lý học lâm sàng. Tâm lý học lâm
sàng là phân nhánh của tâm lý học liên quan đến đánh giá và điều trị các bệnh lý
tâm thần, các hành vi bất thường và các vấn đề tâm thần khác. Tâm lý lâm sàng
nghiên cứu và góp phần giải quyết các vấn đề đặt ra liên quan đến tâm lý con người,
cả con người bình thường lẫn con người có các rối nhiễu tâm lý. Phương pháp lâm
sàng nghiên cứu con người theo từng trường hợp cụ thể với hoàn cảnh cụ thể, phải
xem con người từ nhiều góc độ khác nhau, vừa có tính đơn nhất, vừa có tính tổng
thể, vừa có tính lôgíc lại vừa có tính thường trực
* Nguyên tắc hoạt động
Trị liệu nhận thức hành vi lấy nền tảng là sử dụng hoạt động, thông qua hoạt
động để thay đổi nhận thức và hành vi của thân chủ, theo đó cải thiện tình trạng rối
loạn cảm xúc của bệnh nhân. Thông qua hoạt động thực tiễn như tiếp xúc, thăm khám,
quan sát lâm sàng những triệu chứng rối loạn cảm xúc, nhà trị liệu sử dụng những kỹ
thuật trong liệu pháp nhận thức hành vi như giao bài tập về nhà, trị liệu cho bệnh nhân
qua các kỹ thuật trái cấu trúc nhận thức và hoạt hoá hành vi, luyện tập thư giãn, đồng
thời yêu cầu bệnh nhân ghi lại nhật ký cảm xúc, nhận thức hàng ngày.
* Nguyên tắc tiếp cận hệ thống
Tâm lý con người là tổng hòa các yếu tố nhận thức, cảm xúc và hành vi của
con người, vì vậy điều trị rối loạn tâm lý nói chung và rối loạn cảm xúc nói riêng
đòi hỏi phải tác động một cách có hệ thống tới tất cả các thuộc tính tâm lý người,
nhằm đảm bảo hiệu quả điều trị.
12
Ngoài ra, trong quá trình điều trị rối loạn cảm xúc cũng xem xét tới sự tương
tác giữa yếu tố bên ngoài (môi trường) và yếu tố bên trong (tâm lý cá nhân). Vì vậy,
cần nghiên cứu trị liệu tâm lý cho bệnh nhân rối loạn cảm xúc trong mối tương hỗ
của nhiều yếu tố tâm lý xã hội, điều kiện kinh tế gia đình và chính cá nhân bệnh
nhân. Trong đó, gia đình là hệ thống rất cần thiết và quan trọng cho việc giảm hay
tăng triệu chứng bệnh lý. Vì vậy, hệ thống gia đình đóng vai trò rất quan trọng tới
sức khỏe của thân chủ.
5.2. Phương pháp nghiên cứu
Đề tài sử dụng các phương pháp nghiên cứu sau (chi tiết về phương pháp
được trình bày ở Chương 2).
– Phương pháp nghiên cứu văn bản tài liệu
– Phương pháp nghiên cứu lâm sàng
– Phương pháp nghiên cứu trường hợp điển hình
– Phương pháp phỏng vấn sâu
– Phương pháp trắc nghiệm
– Phương pháp thực nghiệm
– Phương pháp thống kê toán học
6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận văn
6.1. Ý nghĩa lý luận
Luận văn hệ thống hoá và làm sáng tỏ một số vấn đề lý luận có liên quan đến
nội dung nghiên cứu như liệu pháp nhận thức hành vi, rối loạn cảm xúc, rối loạn
trầm cảm, sử dụng liệu pháp nhận thức hành vi trong trị liệu tâm lý cho bệnh nhân
rối loạn trầm cảm. Luận văn đã chỉ rõ đặc điểm và các kỹ thuật sử dụng liệu pháp
nhận thức hành vi trong trị liệu tâm lý cho bệnh nhân rối loạn cảm xúc.
6.2. Ý nghĩa thực tiễn
Kết quả nghiên cứu của luận văn khẳng định tính đúng đắn và sự tác động tích
cực của liệu pháp nhận thức hành vi đến việc trị liệu tâm lý cho bệnh nhân có rối loạn
cảm xúc. Nghiên cứu này có thể làm tài liệu tham khảo cho các nhà nghiên cứu, giảng
dạy cũng như những nhà trị liệu tâm lý. Nghiên cứu này cũng là cơ sở để các nhà tâm
lý lâm sàng nghiên cứu sâu hơn về việc thích nghi hóa liệu pháp nhận thức hành vi
trong trị liệu tâm lý cho bệnh nhân có rối loạn rối loạn cảm xúc tại Việt Nam.
7. Kết cấu của luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo và phụ lục, luận
văn được kết cấu thành 03 chương:
13
Chương 1. Cơ sở lý luận về sử dụng liệu pháp nhận thức hành vi trong trị
liệu tâm lý cho bệnh nhân rối loạn cảm xúc;
Chương 2. Tổ chức và phương pháp nghiên cứu
Chương 3. Kết quả nghiên cứu thực tiễn về áp dụng liệu pháp nhận thức
hành vi trong điều trị rối loạn cảm xúc tại Bệnh viện Tâm thần Long An
14
Chương 1
CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ SỬ DỤNG LIỆU PHÁP NHẬN THỨC HÀNH VI
TRONG TRỊ LIỆU TÂM LÝ CHO BỆNH NHÂN RỐI LOẠN CẢM XÚC
1.1. Liệu pháp trị liệu tâm lý
1.1.1. Khái niệm trị liệu tâm lý
Trị liệu tâm lý là biện pháp các nhà tâm lý lựa chọn nhằm giúp đỡ bệnh nhân
trong quá trình trị liệu các vấn đề về sức khỏe tinh thần cho bệnh nhân. Trị liệu tâm
lý sử dụng các phương pháp và kỹ thuật khác nhau để giúp bệnh nhân giải quyết
những vấn đề về nhận thức, cảm xúc, hành vi, động cơ. Những vấn đề này thường
khiến con người cảm thấy khó khăn trong việc tự quản lý cuộc sống và đạt đến các
mục đích mong muốn của mình.
Lê Thị Minh Tâm đưa ra khái niệm trị liệu tâm lý như sau:
Trị liệu tâm lý là các phương pháp, kỹ thuật mà nhà trị liệu tâm lý sử dụng
thông qua cách thức giao tiếp nhằm cải thiện tình trạng sức khỏe, tinh thần, tháo gỡ
các vấn đề trong cảm xúc và hành vi của người bệnh [30].
1.1.2. Đặc điểm của liệu pháp trị liệu tâm lý
Đối với các rối loạn tâm lý, trị liệu tâm lý là một phương pháp điều trị sử
dụng song song hoặc thay thế các phương pháp điều trị khác như hóa dược, phẫu
thuật … Trong trị liệu tâm lý, nhà tư vấn tâm lý sẽ giúp người bệnh tháo gỡ nhưng
điều mà họ không thể nhận ra, xác định những vấn đề tiêu cực mà người bệnh đang
phải đối mặt, từ đó làm cho người bệnh hiểu những cảm xúc của bản thân. Nhà tâm
lý cũng dạy cho người bệnh làm thế nào để đối phó với những cảm xúc đó. Rất
nhiều người có thể cảm thấy do dự khi nói chuyện với một người lạ về cảm xúc của
họ, nhưng các nghiên cứu cho thấy trị liệu tâm lý là một phương thức điều trị rất
hiệu quả. Một ưu điểm của phương pháp điều trị này là nó không mang lại tác dụng
phụ như điều trị bằng hóa dược [30].
Dựa trên định nghĩa khái niệm trị liệu tâm lý, có thể thấy trị liệu tâm lý có
một số đặc điểm sau:
Thứ nhất, trị liệu tâm lý cần sự tương tác giữa nhà trị và bệnh nhân. Bệnh
nhân chỉ tham gia trị liệu tâm lý khi họ đồng ý và hiểu về quá trình trị liệu. Trị liệu
tâm lý chỉ đạt hiệu quả khi bệnh nhân hợp tác với nhà trị liệu và chủ động tham gia
các hoạt động trị liệu.
15
Thứ hai, trị liệu tâm lý được thực hiện qua hình thức giao tiếp. Khác với trị
liệu hóa dược hay phẫu thuật, trị liệu tâm lý không đòi hỏi nhà trị liệu tác động trực
tiếp lên cơ thể bệnh nhân. Trong trị liệu tâm lý, nhà trị liệu tác động vào ý thức
(hoặc tiền ý thức) của bệnh nhân, từ đó giúp bệnh nhân nhận thức được những khó
khăn, rối loạn mình đang gặp phải và có cách ứng phó phù hợp.
Thứ ba, trị liệu tâm lý tác động vào sức khỏe tinh thần của bệnh nhân, nhưng
hiệu quả của trị liệu tâm lý không chỉ dừng ở việc nâng cao sức khỏe tinh thần mà
còn tác động tích cực đến sức khỏe thể chất. Chính sự gắn bó mật thiết giữa thể chất
và tinh thần của con người đã giúp tăng cường hiệu quả của trị liệu tâm lý.
1.1.3. Trị liệu tâm lý bằng liệu pháp nhận thức – hành vi
1.1.3.1. Khái niệm liệu pháp nhận thức – hành vi
Liệu pháp nhận thức – hành vi là một trong những liệu pháp tâm lý trị liệu.
Người trị liệu sẽ trò chuyện về tình trạng bệnh và những vấn đề liên quan của mình
với nhà trị liệu. Liệu pháp này giúp người trị liệu nhận thức được suy nghĩ không
chính xác hoặc tiêu cực khi đứng trước các tình huống thách thức. Từ đó phản hồi
chúng theo những cách tích cực và hiệu quả hơn.
Liệu pháp nhận thức hành vi là sự kết hợp của các nguyên tắc cơ bản từ tâm
lý học nhận thức và tâm lý học hành vi, được các nhà nghiên cứu phát triển phù hợp
với xu hướng trị liệu tâm lý trong xã hội hiện đại.
* Liệu pháp nhận thức
Trị liệu nhận thức đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà chuyên môn sức
khỏe tâm thần ở khắp thế giới trong những năm gần đây. Cuộc “cách mạng nhận
thức” trong tâm lý học bắt đầu từ cuộc hội thảo về chủ đề xử lý thông tin được tổ
chức ở viện kỹ thuật Massachusetts (MIT) và sau đó là một loạt các công trình của
Bruner, Goodnow, Austin (1956), Chomsky (1956, 1957), Kelly (1955), Newell và
Simon (1956). Phương pháp trị liệu nhận thức đã tạo chỗ đứng chung cho những
nhà trị liệu ở những trường phái khác nhau, từ trường phái phân tâm đến trường
phái hành vi [18].
Liệu pháp nhận thức cho rằng vấn đề cảm xúc là kết quả của lối tư duy hoặc
các thái độ sai lệch đối với bản thân và người khác, vì vậy muốn cải thiện bản thân
thì phải cải thiện tư duy [63]. Nhà trị liệu trở thành một người hướng dẫn tích cực
giúp thân chủ điều chỉnh lại tri giác và thái độ của họ bằng cách dẫn ra các bằng
chứng ngược lại hoặc giúp thân chủ tự nêu ra các bằng chứng đó.
Tác giả Nguyễn Văn Thọ đã định nghĩa liệu pháp nhận thức như sau:
16
Liệu pháp nhận thức là một tiếp cận tâm lý trị liệu hướng tới việc thay đổi
những cảm nhận và những hành vi bằng cách thay đổi sự tiếp nhận hoặc suy nghĩ
của bệnh nhân về những trải nghiệm quan trọng [37].
* Liệu pháp hành vi
Vào giữa năm 1950, Albert Ellis – một nhà tâm lý học lâm sàng – nhận thấy
trị liệu dựa trên phân tâm học mang lại hiệu quả rất chậm ở các bệnh nhân; trong
khi đó, bệnh nhân lại cải thiện tốt hơn khi thay đổi cách suy nghĩ đối với bản thân,
với những vấn đề mà bệnh gặp phải, và với thế giới bên ngoài. Vì vậy ông đã phát
triển một liệu pháp được gọi là liệu pháp cảm xúc hành vi hợp lý (Rational Emotive
Behaviour Therapy) [57].
Nếu như trị liệu ứng dụng phân tâm học chú trọng vào thay đổi nhân cách thì
trị liệu cảm xúc hành vi hợp lý tập trung vào thay đổi hành vi sai lệch [30]. Thay
vào việc thăm dò cái vô thức hoặc khám phá các suy nghĩ, tình cảm của thân chủ,
các nhà trị liệu hành vi tìm cách loại bỏ những triệu chứng và thay đổi các mẫu hình
hành vi thiếu hiệu quả hay kém thích nghi bằng cách sử dụng một số kỹ thuật học
tập cơ bản, như liệu pháp ngăn ngừa, điều kiện tạo tác, điều kiện dạng Pavlov, ức
chế, tương hỗ.
Như vậy, Liệu pháp hành vi thực chất là quá trình giáo dục, trong đó thân
chủ học các kỹ năng tự điều chỉnh, phát triển các cách thức ứng xử mới. Việc học
này tốt nhất nên được tiến hành ở môi trường sống thực của thân chủ [30]..
* Khái niệm liệu pháp nhận thức hành vi
Liệu pháp nhận thức hành vi là thuật ngữ chung cho các chương trình can
thiệp tâm lý đặt trọng tâm vào các kỹ thuật thay đổi suy nghĩ, từ đó thay đổi hành vi
và cảm xúc (khí sắc) [61]. Trọng tâm chính của liệu pháp này là giúp bệnh nhân
học cách thức thay đổi môi trường bên ngoài để từ đó thay đổi hành vi. Chương
trình huấn luyện gồm 3 bước: xác định vấn đề, tìm ra giải pháp và thực hành giải
pháp[61].
Liệu pháp nhận thức hành vi nhằm thay đổi hành vi không phù hợp, nhưng
không phải cứ thay đổi hành vi thì gọi là liệu pháp nhận thức hành vi. Thí dụ, trẻ tự
kỷ thường có hành vi tự hủy hoại (cắn tay, đập đầu, đấm đồ vật, cào…). Nhà trị liệu
thường làm giảm các hành vi này bằng cách thưởng trẻ khi trẻ thực hiện hành vi
đúng (không cắn tay, không đập đầu…). Đây là liệu pháp hành vi chứ không phải
liệu pháp nhận thức hành vi vì không diễn ra sự thay đổi nhận thức. Chỉ khi nào có
sự thay đổi, hóa giải nhận thức, và chỉ khi nào mà sự thay đổi nhận thức là một
17
thành phần quan trọng của kế hoạch trị liệu thì mới được gọi là liệu pháp nhận thức
hành vi. Như vậy, chỉ thay đổi nhận thức mà không thay đổi hành vi (liệu pháp nhận
thức), hoặc chỉ thay đổi hành vi mà không thay đổi nhận thức (liệu pháp hành vi)
đều không phải là liệu pháp nhận thức – hành vi.
* Khái niệm trị liệu tâm lý bằng liệu pháp nhận thức – hành vi
Trị liệu tâm lý bằng liệu pháp nhận thức – hành vi là sử dụng các kỹ thuật
thay đổi suy nghĩ, thay đổi hành vi và cảm xúc (khí sắc) nhằm cải thiện tình trạng
sức khỏe, tinh thần, tháo gỡ các vấn đề trong cảm xúc và hành vi của người bệnh.
1.1.3.2. Nội dung của trị liệu tâm lý bằng liệu pháp nhận thức hành vi
Liệu pháp nhận thức hành vi chứa đựng ba đặc điểm cốt lõi sau:
(1) Hoạt động nhận thức ảnh hưởng đến hành vi:
Đánh giá của một người về các sự kiện có thể ảnh hưởng tới cách anh ta
phản ứng với những sự kiện đó. Vì vậy, thay đổi đánh giá có ý nghĩa lớn trong lâm
sàng. Muốn thay đổi hành vi bất thường, không mong muốn của thân chủ, ta có thể
tác động bằng cách thay đổi suy nghĩ của thân chủ về sự kiện đang tác động đến họ.
(2) Hoạt động nhận thức có thể được giám sát và có thể thay đổi
Nhận thức con người là cái khó quan sát, nhưng không phải là không nắm
bắt được. Bản thân chúng ta tự biết và đánh giá được sự nhận thức của chúng ta.
Tuy nhiên, đánh giá hoạt động nhận thức khó ở chỗ hoạt động trong suy nghĩ của
con người là những thứ “có khả năng xảy ra”, không phải là “thực tế” xảy ra. Dù
vậy, nhận thức của con người là yếu tố tâm lý có thể tiếp cận được, và đây là cơ sở
cho việc thay đổi nhận thức.
(3) Thay đổi nhận thức có thể tạo ra sự thay đổi hành vi:
Hành vi không phải lúc nào cũng đến từ nhận thức chủ động, nhưng rất nhiều
hành vi xuất phát từ nhận thức. Vì vậy, ngoài cách sử dụng điều kiện hóa để thay đổi
hành vi, cũng có thể sử dụng phương pháp thay đổi nhận thức để thay đổi hành vi.
* Các liệu pháp nhận thức hành vi cơ bản:
Có ba loại liệu pháp nhận thức hành vi chủ yếu. Sự khác biệt giữa các liệu
pháp này nằm ở mục tiêu tác động của liệu pháp. Ba loại liệu pháp đó bao gồm:
– Tái cấu trúc nhận thức: Liệu pháp tái cấu trúc nhận thức nhấn mạnh vào
những rối loạn bên trong gây ra vấn đề tâm lý ở bệnh nhân. Thí dụ, liệu pháp tái cấu
trúc nhận thức cho rằng cảm xúc đau buồn là kết quả của những suy nghĩ kém thích
nghi. Do vậy, mục tiêu can thiệp là thiết lập các mô hình suy nghĩ thích nghi hơn.