ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
KHOA LUẬT
BÙI HOÀNG ANH
VAI TRß CñA HIÕN PH¸P §èI VíI D¢N CHñ
T¹I VIÖT NAM
LUẬN VĂN THẠC SĨ LUẬT HỌC
HÀ NỘI – 2020
ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
KHOA LUẬT
BÙI HOÀNG ANH
VAI TRß CñA HIÕN PH¸P §èI VíI D¢N CHñ
T¹I VIÖT NAM
Chuyên ngành: Luật Hành chính và Luật Hiến pháp
Mã số: 8380101.02
LUẬN VĂN THẠC SĨ LUẬT HỌC
Cán bộ hướng dẫn khoa học: PGS.TS ĐẶNG MINH TUẤN
HÀ NỘI – 2020
LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan Luận văn là công trình nghiên cứu của riêng
tôi. Các kết quả nêu trong Luận văn chưa được công bố trong bất kỳ
công trình nào khác. Các số liệu, ví dụ và trích dẫn trong Luận văn đảm
bảo tính chính xác, tin cậy và trung thực. Tôi đã hoàn thành tất cả các
môn học và đã thanh toán tất cả các nghĩa vụ tài chính theo quy định
của Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội.
Vậy tôi viết Lời cam đoan này đề nghị Khoa Luật xem xét để tôi
có thể bảo vệ Luận văn.
Tôi xin chân thành cảm ơn!
NGƯỜI CAM ĐOAN
Bùi Hoàng Anh
MỤC LỤC
Trang
Trang phụ bìa
Lời cam đoan
Mục lục
MỞ ĐẦU ……………………………………………………………………………………………. 1
Chương 1: MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ VAI TRÒ CỦA HIẾN
PHÁP ĐỐI VỚI DÂN CHỦ …………………………………………………….. 7
1.1.
Một số khái niệm cơ bản
………………………………………………………….. 7
1.1.1. Hiến pháp ………………………………………………………………………………… 7
1.1.2. Dân chủ
………………………………………………………………………………….. 12
1.2.
Các khía cạnh thể hiện vai trò của Hiến pháp đối với dân chủ
… 20
1.2.1. Khế ước xã hội – nguồn gốc của một bản Hiến pháp …………………… 20
1.2.2. Hiến pháp ghi nhận các nền tảng của dân chủ …………………………….. 22
1.2.3. Các yếu tố bảo đảm dân chủ …………………………………………………….. 31
1.3.
Vai trò Hiến pháp đối với dân chủ ở một số quốc gia ……………… 36
1.3.1. Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ ………………………………………………………… 36
1.3.2. Cộng hòa Liên bang Đức …………………………………………………………. 40
1.3.3. Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc
…………………………………………….. 43
Kết luận chương 1 …………………………………………………………………………….. 53
Chương 2: VAI TRÒ CỦA HIẾN PHÁP ĐỐI VỚI DÂN CHỦ TẠI
VIỆT NAM – THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP
………………………. 54
2.1.
Quan niệm về vai trò của Hiến pháp ở Việt Nam
………………………. 54
2.1.1.
Quan niệm về vai trò của Hiến pháp trong lịch sử lập hiến ở Việt Nam …… 54
2.1.2. Đánh giá chung
……………………………………………………………………….. 59
2.2.
Các nền tảng của dân chủ trong Hiến pháp năm 2013 ………………. 60
2.2.1. Nguyên tắc chủ quyền nhân dân và các hình thức thực hiện dân chủ …… 60
2.2.2. Nguyên tắc phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước
……… 62
2.2.3. Đề cao tính đại diện và vai trò của Quốc hội ………………………………. 67
2.2.4. Ghi nhận các quyền con người, quyền công dân …………………………. 69
2.2.5. Đề cao tư pháp độc lập và vai trò bảo vệ con người của Tòa án ……. 72
2.3.
Những khó khăn, thách thức trong việc thực thi các nền tảng
dân chủ hiến định ………………………………………………………………….. 75
2.4.
Một số giải pháp bảo đảm vai trò của Hiến pháp năm 2013
đối với dân chủ ở Việt Nam
……………………………………………………. 78
2.4.1. Thay đổi nhận thức về Hiến pháp ……………………………………………… 78
2.4.2. Hoàn thiện các quy định hiến pháp về dân chủ
……………………………. 80
2.4.3. Xây dựng, hoàn thiện cơ chế thực thi dân chủ hiến định
………………. 93
Kết luận Chương 2 ………………………………………………………………………….. 100
KẾT LUẬN …………………………………………………………………………………….. 101
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
…………………………………………… 103
1
MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài và lý do chọn đề tài
Việt Nam đang trên con đường hội nhập và phát triển. Để bước đi vững chãi
trên con đường này, trong nhiều năm qua, Việt Nam đã và đang tiến hành những cải
cách mạnh mẽ về nhiều mặt, đặc biệt những vấn đề liên quan đến khắc phục khó
khăn và hoàn thiện thể chế, chính sách, các giải pháp để đưa các quy định pháp luật
đi vào cuộc sống một cách đầy đủ và hiệu quả hơn. Trong quá trình ấy, không thể
thiếu vắng vai trò của Hiến pháp. Hiến pháp là cơ sở hiến định, là tiền đề cho việc
xây dựng nhà nước pháp quyền, tăng cường dân chủ hóa đời sống xã hội và bảo
đảm các quyền cơ bản của con người, của công dân. Điều này là phù hợp với xu
hướng chung trên thế giới hiện nay, đáp ứng mong mỏi và kỳ vọng của đông đảo
các tầng lớp nhân dân.
Hiến pháp Việt Nam hiện hành ra đời từ năm 2013, Hiến pháp được đánh giá
là có những tiến bộ đáng kể so với Hiến pháp năm 1992, phù hợp với con đường
phát triển của nước ta trong thời đại mới. Hiến pháp năm 2013 đã ghi nhận nhiều
nội dung sửa đổi, bổ sung hết sức quan trọng, nhất là các quy định liên quan đến tổ
chức và hoạt động của bộ máy nhà nước; quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ
bản của công dân; các nguyên tắc dân chủ hiến định quan trọng mở đường cho việc
tiếp tục thực hiện cải cách và phát triển mọi mặt của đất nước. Kể từ khi đi vào cuộc
sống cho đến nay, Hiến pháp năm 2013 đã tác động tích cực đến mọi mặt của đời
sống kinh tế, văn hóa, xã hội nước ta, giúp môi trường chính trị ngày càng cởi mở
và thu hút sự quan tâm cũng như tham gia rộng rãi của quần chúng nhân dân. Tuy
nhiên, vẫn có những vấn đề còn tồn tại liên quan đến một số hạn chế và vướng mắc
trong các quy định của Hiến pháp và việc thực thi Hiến pháp trong thực tế đời sống
xã hội. Trong bối cảnh Việt Nam đang hướng đến xây dựng nhà nước pháp quyền
xã hội chủ nghĩa và thực hiện dân chủ hóa đời sống kinh tế – xã hội, cần có những
đánh giá toàn diện, khách quan trên tất cả các mặt của Hiến pháp, cả những điểm
tích cực và những điểm hạn chế nhằm nhanh chóng nhận biết những vấn đề đang
tồn tại và đưa ra các giải pháp khắc phục phù hợp trong tương lai.
2
Việc phân tích và đánh giá Hiến pháp 2013 cả về phương diện nội dung và
phương diện thực thi trên thực tế là vô cùng cần thiết, giúp nâng cao hiểu biết và
nhận thức một cách đầy đủ nhất về những đóng góp của Hiến pháp năm 2013 đối
với quá trình dân chủ hóa đời sống xã hội Việt Nam trong những năm vừa qua (từ
khi Hiến pháp 2013 được thông qua đến nay).
Với những lý do trên, người viết chọn chủ đề “Vai trò của hiến pháp đối với
dân chủ tại Việt Nam” làm đề tài luận văn thạc sỹ của mình.
2. Tình hình nghiên cứu đề tài
Từ lâu, các nội dung liên quan đến dân chủ trong hiến pháp và Hiến pháp
Việt Nam là những chủ đề quen thuộc trong các giới học thuật, chính trị và hoạt
động xã hội; xuất hiện trong rất nhiều bài viết, đánh giá và công trình nghiên cứu
khác của các tác giả trong và ngoài nước. Các nghiên cứu thường tập trung bàn luận
về những khía cạnh xoay quanh phân tích bản chất và ý nghĩa của hiến pháp, phân
tích các thành phần trong hiến pháp, mối quan hệ cụ thể giữa sự phát triển của hiến
pháp và sự phát triển của nền dân chủ,…
Đặc biệt từ khi những yêu cầu về cải cách Hiến pháp năm 1992 được đặt ra,
có rất nhiều hội thảo và chương trình nghiên cứu đã được tổ chức và diễn ra sôi nổi,
cùng với đó là sự ra đời của rất nhiều các trình khoa học khác nhau về hiến pháp.
Đáng chú ý, Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội đã xuất bản cuốn sách “Hiến
pháp: Những vấn đề lý luận và thực tiễn” (Hà Nội, năm 2011), đây là tập hợp đồ sộ
của hơn 97 bài nghiên cứu của nhiều nhà khoa học đầu ngành, nhà nghiên cứu có uy
tín ở trong và ngoài nước. Các bài viết đã đề cập đến rất nhiều chủ đề và khía cạnh
đa dạng của luật hiến pháp và chính trị học, được chia làm ba nội dung cơ bản:
những vấn đề lý luận chung về hiến pháp; các khía cạnh của Hiến pháp Việt Nam
sửa đổi; kinh nghiệm xây dựng và sửa đổi Hiến pháp trên thế giới. Trong đó, có một
số bài viết đề cập trực tiếp đến mối liên hệ giữa dân chủ và hiến pháp như “Hiến
pháp trong đời sống xã hội và quốc gia” của GS.TSKH. Đào Trí Úc, “Vai trò và
các nội dung cơ bản của Hiến pháp trong nhà nước pháp quyền dân chủ” của
GS.TS. Nguyễn Đăng Dung,…; một số bài viết bàn về các nội dung liên quan đến
3
dân chủ và bảo đảm dân chủ trong Hiến pháp Việt Nam như: “Cải cách Hiến pháp
Việt Nam trong xu thế chuyển đổi” của TS. Đặng Minh Tuấn, “Quyền lực nhân dân
ở nước ta thể hiện trong Hiến pháp 1992 – Những vấn đề đặt ra” của GS.TS. Trần
Ngọc Đường, “Tài phán Hiến pháp: Những vấn đề phổ biến, đặc thù quốc gia và
mô hình thích hợp cho Việt Nam” của TS. Võ Trí Hảo, “Bảo vệ Hiến pháp ở Việt
Nam: Thực trạng và một số kiến nghị” của TS. Hoàng Văn Tú,… Tạp chí Nghiên
cứu Lập pháp của Văn phòng Quốc hội cũng đã tập hợp một số bài viết đã đăng trên
Tạp chí để xuất bản cuốn sách “Bàn về lập hiến” (NXB Lao động, Hà Nội, năm
2010). Cuốn sách đặc biệt tập trung vào các vấn đề về thi hành và bảo vệ hiến pháp
tại Việt Nam cùng những kinh nghiệm lập hiến ở nước ngoài.
Sau khi Hiến pháp năm 2013 được hoàn thiện và ban hành, các công trình
nghiên cứu đã đi sâu phân tích và đánh giá chi tiết các nội dung khác nhau của Hiến
pháp năm 2013, trong đó có các chế định về tổ chức bộ máy nhà nước và chế định
quyền con người, quyền công dân, bao gồm những điểm mới tích cực và những hạn
chế còn tồn tại, tiêu biểu như: “Bình luận khoa học Hiến pháp nước Cộng hòa xã
hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013” của GS.TS. Nguyễn Đăng Dung – PGS.TS.
Trịnh Quốc Toản – TS. Đặng Minh Tuấn (NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà
Nội, năm 2016); “Bình luận khoa học Hiến pháp hiện hành (năm 2013)” của
GS.TS. Hoàng Thế Liên (NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, năm 2018).
Ngoài ra, trong cuốn sách “Bình luận khoa học Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội
chủ nghĩa Việt Nam năm 2013” của Viện Chính sách công và pháp luật (NXB Lao
động xã hội, Hà Nội, năm 2014), có nhiều bài viết phân tích, đánh giá về một số
quy định liên quan đến bảo đảm quyền con người và dân chủ trong Hiến pháp mới,
đáng chú ý như: “Hiến pháp năm 2013 và các hình thức thực thi nguyên tắc tất cả
quyền lực thuộc về nhân dân” của GS.TS. Thái Vĩnh Thắng, “Nguyên tắc về giới
hạn quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp năm 2013” của TS. Vũ
Công Giao – ThS. Lê Thị Thúy Hương, “Phân công, phối hợp và kiểm soát quyền
lực theo Hiến pháp năm 2013” của TS. Đặng Minh Tuấn.
Trong các công trình khoa học, một số có nội dung và kết cấu tương đối gần
4
gũi với đề tài của người viết. Cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về việc
xây dựng và ban hành hiến pháp” của GS.TS. Trần Ngọc Đường và ThS. Bùi Ngọc
Sơn (NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, năm 2013) đã cung cấp những kiến
thức rất chi tiết về việc xác định mô hình, phạm vi, nội dung và quy trình ban hành,
sửa đổi hiến pháp thông qua kinh nghiệm lập hiến của một số mô hình hiến pháp
trên thế giới cũng như thực tiễn lập hiến của Việt Nam. Luận án “Sự phát triển của
hiến pháp trong tiến trình dân chủ hóa ở Đông Á” tại Khoa Luật – Đại học Quốc
gia Hà Nội (Hà Nội, năm 2015) của TS. Lã Khánh Tùng đã phân tích rất tỉ mỉ và lý
giải mối quan hệ giữa dân chủ hóa và sự phát triển của hiến pháp diễn ra tại khu vực
Đông Á, đồng thời đưa ra một số gợi ý và đề xuất đối với việc hoàn thiện hiến pháp,
phát huy dân chủ tại Việt Nam. Đây là công trình khoa học đã được sử dụng như là
một tài liệu tham khảo chính trong phần ví dụ của luận văn này.
Nhìn chung, các công trình nghiên cứu trên đã phần nào đề cập đến những
khía cạnh thể hiện vai trò của hiến pháp trong nền dân chủ với nhiều góc nhìn đa
dạng và ví dụ khác nhau (Việt Nam và các quốc gia khác). Tuy nhiên, các nghiên
cứu vẫn chỉ đề cập các khía cạnh này theo từng nội dung riêng lẻ mà chưa tổng hợp
một cách toàn diện những khía cạnh cơ bản nhất (cả bên trong và bên ngoài hiến
pháp) tác động đến việc xây dựng nền dân chủ và thực thi các nguyên tắc dân chủ
hiến định tại Việt Nam. Do đó, việc hệ thống hóa vai trò của hiến pháp đối với dân
chủ tại Việt Nam có ý nghĩa nhất định về mặt lý luận và thực tiễn.
3. Mục tiêu và nhiệm vụ nghiên cứu
Luận văn này tập trung nghiên cứu một số vấn đề lý luận và thực tiễn về vai
trò của hiến pháp đối với dân chủ tại Việt Nam.
Để thực hiện mục tiêu nghiên cứu trên, người viết đã đặt ra các nhiệm vụ
chính sau:
– Làm rõ bản chất của hiến pháp và dân chủ thông qua tìm hiểu nguồn gốc ra
đời và các quan niệm về hiến pháp, dân chủ và một số khái niệm có liên quan.
– Những khía cạnh thể hiện vai trò của hiến pháp đối với dân chủ: Các
nguyên tắc dân chủ cốt lõi cần được ghi nhận trong một bản hiến pháp dân chủ; Các
yếu tố bảo đảm thực thi các nền tảng dân chủ hiến định.
5
– Quan niệm trong việc xây dựng và ban hành Hiến pháp tại Việt Nam.
Những đóng góp của Hiến pháp năm 2013 với vai trò là nền tảng hiến định đối với
quá trình dân chủ hóa đời sống xã hội tại Việt Nam.
– Những khó khăn, thách thức đặt ra đối với việc thi hành Hiến pháp trên
thực tế đời sống. Một số giải pháp có thể thực hiện để thúc đẩy việc thực thi các
nguyên tắc dân chủ của Hiến pháp năm 2013 trong đời sống xã hội Việt Nam.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
– Đối tượng nghiên cứu của luận văn tập trung vào Hiến pháp Việt Nam năm
2013 (những yếu tố thể hiện vai trò của Hiến pháp đối với dân chủ) và một số văn
bản pháp luật có liên quan; thực tiễn tình hình thực thi nền tảng dân chủ hiến định
trong đời sống xã hội Việt Nam, quá trình xây dựng hiến pháp và nền dân chủ tại
Hoa Kỳ, Đức và khu vực Đông Bắc Á.
– Phạm vi nghiên cứu: Về không gian: Vấn đề dân chủ và thực thi dân chủ tại
Việt Nam, đồng thời cũng khái quát tình hình dân chủ tại một số quốc gia khác. Về
thời gian: tập trung vào thời điểm Hiến pháp 2013 được lên kế hoạch, soạn thảo và
ban hành cho đến nay, đồng thời cũng có những liên hệ giữa lịch sử và hiện tại.
5. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu
– Luận văn được thực hiện trên cơ sở phương pháp luận của chủ nghĩa Mác –
Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và theo quan điểm, đường lối của Đảng về Hiến pháp,
Nhà nước và pháp luật.
– Phương pháp nghiên cứu chủ yếu được sử dụng trong luận văn gồm:
phương pháp phân tích, tổng hợp và so sánh tài liệu dựa vào các tư liệu gốc liên
quan đến hiến pháp, pháp luật và các công trình khoa học của các tác giả có uy tín;
phương pháp đánh giá và giả thiết dựa trên việc xem xét nội dung các quy định của
Hiến pháp và tính khả thi các quy định trên thực tế; phương pháp lịch sử dựa trên
nguồn gốc, quá trình phát triển của đối tượng từ đó rút ra bản chất của đối tượng.
6. Những điểm mới và đóng góp của luận văn
Luận văn nghiên cứu một cách có hệ thống về vai trò của một Hiến pháp đối
với tình hình dân chủ nói chung cũng như thực tiễn tình hình dân chủ tại Việt Nam nói
6
riêng. Những kết quả khoa học của luận văn sẽ góp phần bổ sung vào cơ sở lý luận và
thực tiễn về ý nghĩa của hiến pháp trong dân chủ hóa đời sống chính trị – xã hội.
Luận văn được trình bày với ngôn ngữ rõ ràng, được người viết đơn giản hóa
để người đọc dễ tiếp cận với nội dung và ý tưởng muốn trình bày. Nội dung luận
văn mang tính cô đọng và khái quát cao nhưng vẫn bảo đảm tương đối đầy đủ về ý
nghĩa và tính liên kết.
Luận văn tổng hợp một số lý thuyết, quan điểm trên thế giới về vấn đề hiến
pháp, dân chủ, và mối quan hệ giữa những yếu tố này. Những khía cạnh của hiến
pháp tác động lên một nền dân chủ (từ khi lên kế hoạch xây dựng hiến pháp cho đến
lúc thực hiện xây dựng và thông qua hiến pháp, ảnh hưởng của các nguyên tắc dân
chủ hiến định đối với xã hội). Ngoài ra, người viết cũng đưa ra một số khía cạnh có
thể tác động lên việc bảo đảm thực thi các nguyên tắc dân chủ hiến định.
Luận văn phân tích, đánh giá về sự thay đổi của hiến pháp với sự phát triển
của dân chủ tại Việt Nam trên từng phương diện cụ thể: chủ quyền nhân dân, quyền
con người và quyền công dân, cơ chế phân quyền, độc lập tư pháp,…
Luận văn thể hiện góc nhìn riêng của người viết về vấn đề hiến pháp và dân
chủ. Một số giải pháp có thể thực hiện để thúc đẩy vai trò của Hiến pháp năm 2013
trong quá trình dân chủ hóa đời sống xã hội Việt Nam.
7. Bố cục của luận văn
Ngoài Phần mở đầu, Phần kết luận và Danh mục tài liệu tham khảo, Luận
văn gồm 2 chương:
Chương 1. Một số vấn đề lý luận về vai trò của hiến pháp đối với dân chủ và
các ví dụ điển hình.
Chương 2. Vai trò của hiến pháp đối với dân chủ tại Việt Nam và một số giải
pháp có thể thực hiện.
7
Chương 1
MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ VAI TRÒ CỦA HIẾN PHÁP
ĐỐI VỚI DÂN CHỦ
1.1. Một số khái niệm cơ bản
1.1.1. Hiến pháp
1.1.1.1. Sự phát triển và một số quan niệm về hiến pháp
Hiến pháp là một thuật ngữ có từ rất sớm và gắn liền cùng với sự phát triển
của nhà nước. Theo tiếng Latinh “hiến pháp” – “constitutio”, có nghĩa là sự thiết lập,
xác định, cơ cấu. Thời La Mã cổ đại, một số hoàng đế đã ban hành văn bản dưới hình
thức hiến pháp và mang tính chất như là một loại nguồn của pháp luật. Ở phương
Đông, “hiến pháp” là một từ Hán được sử dụng từ thế kỉ VIII trước Công nguyên.
Trong xã hội phong kiến, một số văn bản chính trị đã ra đời – có tính chất giống với
hiến pháp, tiêu biểu nhất là bản Đại Hiến chương Magna Carta của Vương quốc Anh
(năm 1215). Tuy nhiên cho đến thời điểm đó, hiến pháp vẫn chỉ là một văn kiện để
điều chỉnh mối quan hệ giữa những người thống trị và thực thi chính sách của nhà
nước, cũng như chưa có sự phân biệt giữa hiến pháp và pháp luật [10, tr.13-14].
Hiến pháp chỉ thực sự mang ý nghĩa là “đạo luật cơ bản của nhà nước” khi
cách mạng tư sản diễn ra và là sản phẩm của chủ nghĩa hiến pháp. Những lý luận
manh nha của chủ nghĩa hiến pháp được nói đến bởi Aristotle vào thời kỳ Hi Lạp cổ
đại, sau đó được nhắc lại bởi các nhà tư tưởng châu Âu (với các đại diện tiêu biểu là
John Locke, Thomas Hobbes và Rouseau) vào thế kỷ XVII, XVIII bắt nguồn từ
quan niệm hiến pháp là một bản khế ước xã hội giữa người cầm quyền và dân
chúng. Bản khế ước này đòi hỏi thẩm quyền tối hậu của chính quyền phải luôn luôn
tuân thủ sự đồng ý của những người bị cai trị [10, tr.14-15].
Cuộc đấu tranh của giai cấp tư sản chống lại giai cấp phong kiến chuyên
chế được thực hiện với khẩu hiệu vì tự do, dân chủ, công bằng, bình đẳng, bác
ái,… đã thu hút được sự ủng hộ của đông đảo nhân dân. Mục tiêu của cuộc đấu
tranh là đòi hỏi việc cai trị của giai cấp cầm quyền phải tuân theo những quy định
8
pháp lý nhất định, và những quy định đó phải được đặt trong một đạo luật cơ bản
của nhà nước [10, tr.15-16]. Sau các cuộc cách mạng tư sản, sự chuyển giao quyền lực
nhà nước đã diễn ra. Ở một số quốc gia, giai cấp tư sản giành thắng lợi triệt để, quyền
lực được chuyển giao hoàn toàn cho giai cấp tư sản, hình thành nhà nước dân chủ tư
sản. Ở các quốc gia khác, giai cấp tư sản giành thắng lợi nhưng một phần quyền lực
vẫn thuộc về giai cấp phong kiến, hình thành nên nhà nước quân chủ hạn chế. Sự
chuyển giao quyền lực này được ghi nhận trong một văn bản – Hiến pháp [10, tr.16].
Giai cấp tư sản quan niệm:
Hiến pháp là một văn bản có ý nghĩa pháp lý đặc biệt, trong đó xác định
cơ cấu tổ chức cũng như chức năng của các cơ quan nhà nước, vạch định
các nguyên tắc hoạt động của các cơ quan đó hay Hiến pháp là đạo luật
cơ bản, đứng trên các đạo luật khác, xác định vị trí pháp lý, nguyên tắc,
hình thức tổ chức và hoạt động, mối quan hệ lẫn nhau giữa các cơ quan
nhà nước và mối quan hệ qua lại giữa Nhà nước và công dân [10, tr.17].
Chủ nghĩa Mác – Lênin có cách nhìn nhận về hiến pháp một cách thực tế hơn
dựa theo bối cảnh phân hóa giai cấp mạnh mẽ đương thời, đã kết luận rằng: “Hiến
pháp là văn bản ghi nhận mối tương quan giữa các lực lượng chính trị trong xã hội”.
Nhìn nhận hiến pháp dưới góc độ giai cấp của nó: Hiến pháp là của ai? Phục vụ lợi
ích của giai cấp nào? Hiến pháp được tạo ra vì một trật tự xã hội theo định hướng
giai cấp nào? Theo đó, mọi Hiến pháp đều là sản phẩm của đấu tranh giai cấp, đều
là công cụ mà giai cấp hoặc liên minh chính trị sử dụng để khẳng định và duy trì sự
thống trị của mình [32, tr.29].
Theo Mác – Ăngghen trong Tuyên ngôn Đảng Cộng sản thì hiến pháp cũng như
pháp luật của giai cấp tư sản nói chung “là ý chí của giai cấp các ông (tư sản) được
nâng lên thành luật, cái ý chí mà nội dung là do những điều kiện vật chất và đời sống
của giai cấp các ông quyết định” [10, tr.18]. Hiến pháp cũng như bản tuyên ngôn về
chủ quyền nhân dân, về chế độ đại nghị, về quyền và tự do của công dân dưới chế độ tư
bản chính là sự thể hiện lợi ích của giai cấp tư sản dưới danh nghĩa lợi ích chung của
toàn thể nhân dân. Do vậy, C. Mác viết: “Hiến pháp là kết quả của cuộc đấu tranh giai
9
cấp, được lập ra vì lợi ích của giai cấp chiến thắng giành được quyền lực chính trị, thể
hiện sự tương quan lực lượng giai cấp trong xã hội” [10, tr.18].
Quan điểm trên xuất phát từ bối cảnh ra đời của các bản hiến pháp ở phương
tây sau các cuộc cách mạng tư sản. Ở giai đoạn đầu, khi giai cấp tư sản vừa mới
đoạt được quyền lực (một phần hoặc toàn bộ) từ giai cấp phong kiến, hiến pháp ghi
nhận mối tương quan lực lượng chính trị giữa giai cấp tư sản và giai cấp phong
kiến. Khi quyền lực nhà vua bị hạn chế và giai cấp phong kiến suy yếu, hiến pháp
lại phản ánh mối quan hệ giữa giai cấp tư sản và nhân dân lao động [10, tr.17].
Nói cho cùng thì sự ra đời những hiến pháp tư sản chỉ đơn thuần là việc phân
chia lại quyền lực giữa các “ông chủ” với nhau (giữa quý tộc và tư sản), trong khi
đại đa số người dân (nhân dân lao động) thì được đặt bên ngoài cuộc chia phần ấy.
Nhân dân lao động không được hưởng lợi hoặc hưởng lợi rất ít từ các cuộc cách
mạng tư sản mà họ đóng một phần quan trọng trong thắng lợi đó. Họ vẫn phải tiếp
tục cuộc đấu tranh chống lại giai cấp tư sản để giành lấy quyền lực chính trị, xây
dựng nên hiến pháp cho giai cấp của mình. Chỉ khi đó, quyền lợi của nhân dân lao
động mới được bảo vệ và thực thi đầy đủ nhất.
Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn nhận hiến pháp dưới góc độ lợi ích giai cấp và tương
quan giữa các lực lượng chính trị thôi là chưa đủ. Bên cạnh việc đem lại lợi ích cho
giai cấp tư sản, để xoa dịu quần chúng lao động và biện minh cho nhà nước của
mình, các bản hiến pháp tư sản cũng ghi nhận các giá trị về nhân quyền và tự do,
những điều phản ánh khát vọng và nhu cầu của toàn thể nhân dân trong xã hội.
Những giá trị này ít nhiều mang đến lợi ích cho các giai cấp khác trong xã hội và là
cơ sở cho các cuộc đấu tranh sau này. Do vậy, hiến pháp đồng thời cũng là cơ sở
pháp lý của toàn xã hội nhằm ghi nhận và thể hiện những lợi ích tương hợp của các
tầng lớp xã hội, lợi ích chung của nhân dân, của dân tộc, đương nhiên ở đó luôn
luôn có tính đến và trên thực tế phải tính đến lợi ích và ý chí của tầng lớp, của giai
cấp là lực lượng xã hội chủ đạo trong từng thời kỳ lịch sử nhất định. Cũng vì thế mà
những khái niệm “nhân dân”, “dân tộc” luôn luôn là những khái niệm mở đầu cho
các bản Hiến pháp [32, tr.31].
10
Xu hướng lập hiến hiện đại ngày nay thường coi hiến pháp là một văn bản
mang tính quy phạm chứ không chỉ thể hiện tính chính trị và tương quan chính trị,
dễ dàng thay đổi theo sự biến động của cán cân quyền lực giữa các lực lượng chính
trị. Các bản hiến pháp đã chứa đựng những quy phạm pháp lý điều chỉnh toàn bộ
đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của quốc gia, đồng thời là văn bản quy định hiệu
lực của các văn bản khác trong hệ thống pháp luật [10, tr.18-19]. Dưới góc độ
quyền con người, Hiến pháp được các nhà chính trị và học giả coi là văn bản thể
hiện rõ ràng nhất giá trị của con người trong một nhà nước. Alexander Hamilton đã
cho rằng: “Bản thân Hiến pháp, với ý nghĩa thực sự và mục đích hữu dụng thực sự,
chính là một đạo luật về các quyền” [7, tr.19].
Trong phạm vi của luận văn này, “Hiến pháp” – được hiểu theo hướng khái
quát và chung nhất – “là đạo luật cơ bản của một quốc gia, dùng để xác định thể
chế chính trị, cách thức tổ chức, hoạt động của bộ máy nhà nước và bảo vệ các
quyền con người, quyền công dân” [7, tr.13].
1.1.1.2. Những đặc trưng cơ bản của Hiến pháp
Hiến pháp có ba đặc trưng cơ bản là đặc trưng về mặt pháp lý, đặc trưng về
mặt chính trị và đặc trưng về mặt tư tưởng.
Đặc trưng về mặt pháp lý: Hiến pháp là Luật cơ bản của Nhà nước, có giá
trị và vị trí pháp lý cao nhất, việc ban hành và sửa đổi phải tuân theo một trình tự
đặc biệt [32, tr.32]. Các nguyên tắc và quy phạm của hiến pháp có vai trò định
hướng, chi phối nội dung của các văn bản pháp luật khác, việc hình thành các văn
bản pháp luật khác phải phù hợp với hiến pháp [10, tr.22].
Quan niệm về tính chất “cơ bản”, phạm vi điều chỉnh của hiến pháp cũng có
sự khác biệt. Theo quan niệm truyền thống coi hiến pháp là Luật cơ bản nên hiến
pháp chỉ quy định những yếu tố mang tính “cơ bản nhất” của nhà nước là tổ chức bộ
máy và các quyền con người, quyền công dân (như Hiến pháp Hoa Kỳ). Những bản
Hiến pháp theo quan niệm này được gọi là Hiến pháp có phạm vi điều chỉnh hẹp.
Các bản Hiến pháp ra đời sau Thế chiến thứ I và đặc biệt sau Thế chiến thứ II
thường có phạm vi điều chỉnh rộng hơn. Ngoài quy định về tổ chức bộ máy và các
11
quyền con người, quyền công dân, hiến pháp còn điều chỉnh những khía cạnh quan
trọng khác của quốc gia như các vấn đề về kinh tế, sở hữu, đất đai, lao động,… Đối
với Hiến pháp các nước xã hội chủ nghĩa, những vấn đề này có tầm quan trọng đặc
biệt vì liên quan trực tiếp đến mục tiêu và quá trình cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã
hội mới tại các quốc gia này.
Về quá trình lập hiến: một bản Hiến pháp từ khi bắt đầu lên kế hoạch thực
hiện cho đến khi được thông qua phải trải qua một quá trình làm việc phức tạp và
lâu dài, tiêu tốn nhiều công sức của nhà nước và xã hội. Bởi vì là văn bản có “tính
pháp lý cao nhất” nên mọi tư tưởng, nội dung và ngôn từ trong một bản Hiến pháp
phải được xem xét, gọt dũa cẩn thận để xứng đáng là “gốc” của mọi đạo luật khác.
Hiến pháp cũng là đạo luật không thể tuỳ tiện thay đổi mà phải có giá trị sử dụng
lâu dài, xét cả về vai trò và ý nghĩa quan trọng của nó cũng như mức độ tốn kém
của xã hội để tạo ra bản Hiến pháp ấy. Tuy nhiên do sự thay đổi không ngừng của
dòng chảy lịch sử và đời sống chính trị các nước nên hiến pháp luôn phải thay đổi
để phù hợp với xu thế. Những thay đổi này đôi khi chỉ là một số điều khoản bổ sung
và thay thế mà không làm thay đổi hoàn toàn tính chất và mô hình của hiến pháp
như các Tu chính án trong Hiến pháp Hoa Kỳ, cũng có khi là sự thay đổi liên tục như
Hiến pháp một số nước Đông Bắc Á (Đài Loan, Hàn Quốc) do quá trình chuyển đổi
ở các quốc gia này trong những năm 80 – 90 thế kỷ XX. Có những quốc gia lại
không quá nặng nề với việc sửa đổi hiến pháp, nên quá trình này diễn ra liên tục
mỗi khi có lãnh đạo mới, ví dụ như Venezuela, từ năm 1811 đến nay đã có 40 lần
ban hành Hiến pháp mặc dù nội dung hiến pháp ít có gì mới [32, tr.32].
Đặc trưng về mặt chính trị: Hiến pháp phản ánh tính chất của những quan
hệ được hiến pháp điều chỉnh. Tính chất chính trị của hiến pháp phụ thuộc trước hết
vào đặc điểm của đường lối chính trị, đặc điểm của hệ thống chính trị và tổ chức
của quyền lực nhà nước tại các quốc gia [32, tr.32]. Ngoài ra, các yếu tố khác như
vai trò và năng lực của các đảng phái, các tổ chức xã hội dân sự cũng có ảnh hưởng
lớn đến tính chất chính trị của hiến pháp. Sự chuyển biến của hiến pháp luôn phụ
thuộc vào sự chuyển biến của nền chính trị. Nhìn vào sự thay đổi của hiến pháp,
người ta có thể nhìn thấy được sự thay đổi về chính trị của một quốc gia diễn ra như
12
thế nào. Bản Hiến pháp Hoa Kỳ năm 1787 đã tồn tại hơn 200 năm cho đến nay
những vẫn chưa có một sự thay đổi đáng kể gì, đã thể hiện tính ổn định rất cao của
hệ thống chính trị của Hoa Kỳ mà ít quốc gia nào có được.
Đặc trưng về mặt tư tưởng: Nội dung của một bản Hiến pháp đều mang
trong nó một hệ tư tưởng nhất định. Tính tư tưởng đó được thể hiện thông qua các
nguyên tắc được hiến pháp ghi nhận, trong những quy phạm mang tính định
hướng mục tiêu và cương lĩnh, thậm chí hiến pháp xác định một cách rõ ràng một
hệ tư tưởng chủ đạo. Điều này thấy rõ nhất ở hiến pháp các nước xã hội chủ nghĩa,
trong đó có Việt Nam. Các nước này đều dựa trên một hệ tư tưởng thống nhất,
mặc dù cũng có một vài biến thể (chủ nghĩa Mao, thuyết chủ thể Juche) nhưng cơ
bản đều lấy nền tảng chủ nghĩa Mác – Lênin làm giá trị cốt lõi khi xây dựng nhà
nước và hiến pháp của mình. Hiến pháp của các nước xã hội chủ nghĩa thường ghi
nhận một cách trang trọng hệ tư tưởng của mình vào ngay lời nói đầu, và trong
những chương tiếp theo, tư tưởng ấy tiếp tục thể hiện tính dẫn dắt qua cách thức tổ
chức bộ máy nhà nước, quy định về quản lý kinh tế – xã hội,… Hiến pháp các nước
khác như Hoa Kỳ và châu Âu thường không xác định rõ ràng hệ tư tưởng của nó
là gì, nhưng thông qua các ý niệm rải rác được cài vào các quy phạm, người ta vẫn
có thể nhận ra hệ tư tưởng của nó, đó là chủ quyền nhân dân, quyền con người và
chế độ cộng hoà [32, tr.32].
1.1.2. Dân chủ
1.1.2.1. Sự phát triển và một số quan niệm về dân chủ
Trong cuộc đời mỗi con người, chúng ta luôn là thành viên của một tổ chức
hoặc thiết chế nào đó, đó có thể là gia đình, làng xã, hội nhóm, nhà nước,… Khi tập
thể đưa ra một quyết định, nó sẽ có tác động đến tất cả các thành viên trong đó. Vì
vậy, quyết định đó cần được bàn bạc và có sự tham gia của tất cả các thành viên với
quyền ngang nhau. Quyết định chung của tập thể như vậy được gọi là dân chủ.
Từ thời kỳ sơ khai của xã hội loài người, những biểu hiện về dân chủ đã
manh nha xuất hiện trong rất nhiều xã hội khác nhau. Những biểu hiện này bắt
nguồn từ nhu cầu trao đổi, giúp đỡ và học hỏi kinh nghiệm giữa con người với con
13
người. Tuy nhiên, dân chủ thời kỳ này còn mang tính sơ khai thông qua các ý niệm
và các dạng thực hành cơ bản, rõ rệt nhất là hoạt động bầu chọn các thủ lĩnh bộ lạc
và hội họp để thảo luận một số công việc chung của cộng đồng.
Dân chủ (tiếng anh – democracy) chỉ thực sự có tên gọi chính thức từ thời kỳ
Hi Lạp cổ đại và để chỉ hệ thống chính trị của các thành bang cho phép người dân ở
đó được đi bỏ phiếu. Dân chủ có ý nghĩa sơ khai là “sự cai trị của nhân dân”. Đối
nghịch với nó là “quân chủ” với nghĩa là “sự cai trị của nhà vua”. Thuật ngữ “dân
chủ” cho đến nay đã trải qua lịch sử hơn hai nghìn năm tồn tại với nhiều quan niệm
và định nghĩa tùy thuộc vào mỗi thời kỳ và từng xã hội. Trong thời kỳ phong kiến
chuyên chế, khái niệm “dân chủ” gần như bị lãng quên để nhường chỗ cho sự chuyên
chế của các ông vua và lãnh chúa, “dân chủ” sau đó được sống lại khi chế độ phong
kiến suy yếu. Sau các cuộc cách mạng (còn gọi là cách mạng tư sản) tại nhiều nước
châu Âu (Hà Lan, Anh, Pháp), dân chủ trở thành một trong những giá trị cốt lõi của
các nhà nước mới được thành lập.
Chỉ trong vòng ba thế kỷ, từ thế kỷ 18 – 20, tình hình thế giới đã có chuyển
biến không ngừng, làm thay đổi sâu sắc, căn bản các hoạt động kinh tế, chính trị, xã
hội của loài người từ dạng này sang dạng khác. Điều này đã thúc đẩy các nhà triết
học – chính trị (chủ yếu là phương tây) bổ sung, xây dựng và phát triển các trường
phái và thế giới quan mới để giải thích về con người và thế giới, trong đó có các lý
thuyết về dân chủ. Về cơ bản, các lý thuyết này đều tiếp cận dân chủ ở ba khuynh
hướng chính gồm: dân chủ là sự tham gia, dân chủ là sự cạnh tranh và dân chủ là sự
cân bằng. Thứ nhất, quan niệm về dân chủ tốt cho rằng: Dân chủ là việc bảo đảm sự
tham gia tự do của các công dân vào đời sống chính trị, con người chỉ tự do khi họ
có thể thực sự bầu chọn ra người lãnh đạo và thảo luận để xây dựng pháp luật. Thứ
hai, xuất phát từ quan niệm khá tiêu cực về con người đại chúng, Dân chủ được
định nghĩa: là sự hiện diện của các cuộc bầu cử cạnh tranh, công bằng, bầu cử có ý
nghĩa kiểm soát giới tinh hoa khi họ cạnh tranh với nhau giành các vị trí công
quyền. Thứ ba, theo một số nhà tư tưởng của Anh quốc và Hoa Kỳ: Dân chủ là sự
cân bằng (kiềm chế, đối trọng quyền lực) để bảo đảm dân chủ và chống lại sự
14
chuyên chế [31, tr.41]. Về lợi ích của dân chủ, theo Robert Dahl – một chuyên gia
Hoa Kỳ về dân chủ, đã cho rằng: dân chủ mang lại các lợi ích như giúp tránh được
chế độ độc đoán, bảo vệ được các quyền và tự do cơ bản của cá nhân, bảo đảm
quyền tự quyết của cộng đồng sống trong một hệ thống pháp luật họ tự lựa chọn, tạo
cơ hội tối đa có thể làm thỏa mãn trách nhiệm đạo đức của con người, tạo sự bình
đẳng về chính trị, duy trì hòa bình giữa các quốc gia và gia tăng khả năng trở nên
thịnh vượng [31, tr.43].
Tuy nhiên, các nhà kinh điển chủ nghĩa Mác lại có cách tiếp cận dân chủ theo
hướng khác. Thông qua những trải nghiệm thực tế cùng những phân tích chuyên sâu
về sự phát triển của các hình thái kinh tế – xã hội theo thế giới quan duy vật lịch sử,
mặc dù không hoàn toàn phủ nhận các quan niệm về dân chủ của các nhà triết học –
chính trị theo trường phái khác nhưng theo họ, các quan niệm dân chủ được nói đến ở
trên chỉ có ý nghĩa đối với giai cấp tư sản, tức là nền dân chủ tư sản – đây chỉ là mức
độ dân chủ sơ khai của loài người. Các Mác và Ăngghen, qua nhiều tác phẩm của
mình, đã phê phán những hạn chế của nền dân chủ tư sản, cho rằng đó chỉ là nền dân
chủ do giai cấp tư sản tự tạo ra cho mình sau khi giai cấp phong kiến bị lật đổ, do đó
giai cấp vô sản phải tiếp tục tiến hành cuộc đấu tranh lật đổ giai cấp tư sản để xây
dựng nền dân chủ tiến bộ hơn, tức là nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Lênin – người kế
thừa và phát triển chủ nghĩa Mác, trong tác phẩm “Nhà nước và cách mạng” (1917),
đã nhấn mạnh rằng “dân chủ nghĩa là sự bình đẳng”, coi sự bình đẳng, công bằng là
nguyên tắc quan trọng nhất của một nền dân chủ. Cũng theo Lênin, chế độ dân chủ
chỉ tồn tại trong một xã hội có nhà nước và chế độ dân chủ sẽ mất đi cùng với sự tiêu
vong của nhà nước và xã hội cộng sản được hình thành.
Do đó, tại các nước theo hệ thống xã hội chủ nghĩa thường sử dụng khái
niệm “dân chủ xã hội chủ nghĩa” để phân biệt với “dân chủ tư sản” của các nước
theo mô hình chính trị phương tây. Chủ nghĩa Mác cho rằng bản chất của nền dân
chủ xã hội chủ nghĩa là nền dân chủ dưới sự lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản
– đại diện cho quyền lợi và lợi ích của giai cấp công nhân, nhưng không chỉ để thực
hiện lợi ích riêng cho giai cấp công nhân mà để thực hiện quyền lực và lợi ích
15
chung của toàn thể nhân dân [31, tr.42-43]. Theo chủ nghĩa Mác, dân chủ xã hội
chủ nghĩa là dân chủ gắn với công bằng và bình đẳng khác với quan niệm dân chủ
gắn với tự do mà giai cấp tư sản hứa hẹn trao cho nhân dân. Trong nền dân chủ xã
hội chủ nghĩa, không có giai cấp hay tầng lớp nào bị chèn ép hay đối xử bất công,
con người có cơ hội phát triển về mọi mặt. Vì vậy dân chủ xã hội chủ nghĩa mới là
nền dân chủ thực sự.
“Dân chủ” ngày nay là một thuật ngữ được giới chính trị, khoa học và hoạt
động xã hội phổ biến rộng rãi theo nhiều cách khác nhau. Xây dựng một nền dân
chủ được coi là mục tiêu hướng đến của nhiều quốc gia. Một số chính quyền dù bị
nhiều quốc gia khác và các tổ chức quốc tế đánh giá là độc tài nhưng vẫn tự cho
mình là một nền dân chủ và đưa cụm từ “dân chủ” xuất hiện trong quốc hiệu quốc
gia, chẳng hạn như: Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, Cộng hòa Dân chủ
Liên bang Ethiopia, Cộng hòa Dân chủ Công gô (trước năm 2006),…
Hiện nay, với sự đa dạng về hệ thống chính trị trên thế giới, nhiều quốc gia
cũng tự đưa ra những quan niệm riêng về dân chủ. Phần lớn được sử dụng để phản
bác lại những chỉ trích của các nước phương tây về dân chủ tại các quốc gia đó,
đồng thời cũng nêu ra một số khiếm khuyết của các nền dân chủ phương tây. Các
nước này cho rằng một nền dân chủ có thể được thể hiện qua những cách thức khác
và không nhất thiết phải theo mô hình chính trị giống phương tây. Điều này dẫn đến
những tranh cãi không ngừng liên quan đến vấn đề đâu là “dân chủ thực sự” và đâu
là “dân chủ giả hiệu”, mô hình dân chủ nào mới đem lại hiệu quả cao nhất. Tuy
nhiên, với những tiến bộ và thành công vượt trội về kinh tế và xã hội, quan niệm và
các mô hình dân chủ mà các nước phương tây hiện nay đang áp dụng (Tây Âu, Hoa
Kỳ,…) được nhìn nhận là tiêu chuẩn và hình mẫu cho các quốc gia khác tham khảo.
Theo cách tiếp cận này, dân chủ có thể được nhìn nhận từ các góc độ như:
dân chủ là một giá trị, dân chủ là một lý tưởng, dân chủ là một hệ thống chính trị,
dân chủ là một hình thức quan hệ giữa người cầm quyền với người dân (phương
thức cầm quyền) [31, tr.41]. Góc độ phổ biến nhất hiện nay là nhìn nhận dân chủ
dưới dạng là một phương thức cầm quyền. Trong phạm vi của luận văn này, một
16
nền dân chủ được hiểu là “một phương thức cầm quyền mà cho phép các cá nhân, các
nhóm và tất cả các chủ thể khác nhau trong xã hội có những cơ hội bình đẳng để tham
gia các tiến trình và hoạt động chính trị một cách đầy đủ và thực sự” [1, tr.87]. Trong
đó, một nền dân chủ hiện đại ngày nay phải được cấu thành từ bốn yếu tố cơ bản,
bao gồm: Bảo đảm các quyền và tự do cơ bản của con người; Có các cuộc bầu cử tự
do và công bằng; Chính quyền công khai và chịu trách nhiệm giải trình; Có sự tham
gia tích cực của công dân trong đời sống chính trị hay nói cách khác là sự hiện hữu
của xã hội dân sự.
Thực tế ngày nay đã cho chúng ta cái nhìn toàn diện hơn về ý nghĩa của dân
chủ và điều kiện để tạo dựng một nền dân chủ. Có rất nhiều ví dụ cho thấy có những
quốc gia đạt đến sự thịnh vượng và phát triển mà không phải là một nền dân chủ và
ngược lại, có những quốc gia dân chủ nhưng lại chìm trong đói nghèo, bất ổn và các
vấn nạn xã hội. Vì vậy, các chỉ số và thành tích về dân chủ cũng chỉ là cách đánh
giá tương đối một quốc gia có thành công hay không và là một trong số các mục
tiêu mà một quốc gia cần đạt được.
Dân chủ liên quan mật thiết với chính trị và nhiều người coi dân chủ chỉ có
phạm vi trong lĩnh vực chính trị, nhưng đôi khi dân chủ được nhìn nhận trong cả
những khía cạnh khác như dân chủ trong kinh tế, dân chủ trong giáo dục, dân chủ
trong văn hóa… Trong đó, theo quan điểm phổ biến ngày nay, dân chủ trong chính
trị là điều kiện để tạo ra các khía cạnh dân chủ khác. Tuy nhiên điều này không phải
luôn luôn đúng, một quốc gia là nền dân chủ hay độc tài không đồng nghĩa rằng mọi
khía cạnh khác của quốc gia ấy cũng là dân chủ hay độc tài. Trong khi những khía
cạnh phi chính trị như việc làm, cơ sở hạ tầng, an ninh, giáo dục, văn hóa, môi
trường sống,… là những yếu tố người dân quan tâm nhất. Chính vì vậy, một nền dân
chủ phải cho người dân của mình thấy được những lợi ích mà nó mang lại trong khi
một nền độc tài không thể có được, chỉ khi đó dân chủ mới thực sự có ý nghĩa.
1.1.2.2. Dân chủ hiến pháp
Trong các quan niệm về dân chủ ở các thời kỳ và xã hội khác nhau, một
trong những khác biệt căn bản nhất đến từ cách hiểu về phạm vi chủ thể được công
17
nhận là “công dân” và “có quyền bầu cử” trong một nền dân chủ, đối tượng mà dân
chủ bảo vệ là ai. Trong các nhà nước Cộng hòa Athena và Cộng hòa La Mã, “công
dân” được hiểu là những người tự do và chỉ công dân là nam giới và có tài sản (thời
kỳ sau của Cộng hòa Athena đã bỏ các điều kiện về tài sản) mới có quyền bầu cử và
quyết định các vấn đề của nhà nước. Trong thời kỳ đầu lập quốc của Hoa Kỳ, những
đối tượng được công nhận là “công dân” còn hạn chế và quyền bầu cử cũng không
được áp dụng cho phụ nữ, người Mỹ bản địa và nô lệ. Tại Liên Xô và các nước xã
hội chủ nghĩa (trước năm 1990) mặc dù không hạn chế tư cách chủ thể có quyền
công dân và quyền bầu cử nhưng lại nhấn mạnh tính giai cấp của nhà nước và tập
trung ưu tiên bảo vệ lợi ích của giai cấp vô sản. Khi tiến hành xây dựng nhà nước
mới của giai cấp vô sản, quyền lợi của các giai tầng khác trong xã hội cũ đã bị phớt
lờ và nền dân chủ được xây dựng ở đây là nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, dân chủ
của nhân dân lao động, dân chủ của đa số, đối nghịch với dân chủ tư sản là dân chủ
dành cho thiểu số.
Chính vì sự khác biệt cùng sự mơ hồ trong cách hiểu mà cụm từ “dân chủ”
hay “nhân dân” thường xuyên bị các lực lượng chính trị và các quốc gia lợi dụng để
phục vụ mục đích của mình. Tùy từng trường hợp cụ thể mà “nhân dân” được sử
dụng để chỉ các thành phần khác nhau. Các nhà cầm quyền thường lấy lý do bảo vệ
dân chủ, nhân dân để đàn áp các lực lượng đối lập vì đối với nhà cầm quyền, chỉ có
người ủng hộ họ mới được coi là “nhân dân”. Ngược lại, các lực lượng đối lập cũng
sử dụng lý do tương tự để chống lại chính quyền và họ cũng chỉ muốn coi “nhân
dân” là những người không ủng hộ chính phủ. Đối với lực lượng nước ngoài muốn
can thiệp vào tình hình các quốc gia khác, “bảo vệ nhân dân” hay “bảo vệ dân chủ”
cũng là một lý do hoàn hảo được sử dụng để thực hiện mục đích này.
Ngày nay, chủ thể của dân chủ được hiểu theo nghĩa đầy đủ nhất là toàn thể
nhân dân của một quốc gia. “Constitutional Democracy” dịch ra tiếng Việt có thể
gọi là Dân chủ hiến pháp – là thuật ngữ làm rõ cho quan niệm về dân chủ này. Đây
là một thuật ngữ tương đối mới tại Việt Nam nhưng nội hàm chỉ mang tính chi tiết
hóa cho thuật ngữ “dân chủ” ngày nay. Hiện chưa có một định nghĩa hoàn chỉnh
18
cho “dân chủ hiến pháp” nhưng về cơ bản, đây có thể được hiểu là một nền dân chủ
trong đó hiến pháp và dân chủ có mối quan hệ chặt chẽ, hiến pháp ghi nhận và bảo
đảm thực hiện các nguyên tắc dân chủ thông qua các thiết chế như tòa án, cơ quan
bảo hiến. Trong nền dân chủ hiến pháp, hiến pháp không chỉ ghi nhận và thực thi
chủ quyền nhân dân nói chung (quyền của đa số) mà còn chú ý và bảo vệ các quyền
con người (quyền cá nhân) và quyền của các nhóm thiểu số.
Dân chủ hiến pháp chỉ xu hướng đề cao tầm quan trọng của hiến pháp trong
nền dân chủ, nhấn mạnh các nguyên tắc dân chủ hiến định và quan tâm đặc biệt đến
yếu tố chủ thể trong nền dân chủ. Trong khi “dân chủ” có nội hàm tương đối chung
chung, chủ thể của “dân chủ” là “nhân dân” nhưng không rõ “nhân dân” là ai và
trong nhiều trường hợp thì dân chủ có thể bị hiểu là nền độc tài của đa số. “Dân chủ
hiến pháp” đặc biệt nhấn mạnh rằng “nhân dân” là “toàn thể nhân dân”, bao gồm cả
thành phần đa số và thiểu số trong xã hội.
Trong nền dân chủ hiến pháp, hiến pháp đóng vai trò trung tâm trong bảo
đảm và thúc đẩy việc thực thi dân chủ. Hiến pháp ghi nhận các nguyên tắc của dân
chủ và nhà nước phải có trách nhiệm bảo đảm các nguyên tắc hiến định ấy. Trong
một nền dân chủ hiến pháp, nhân dân có chủ quyền đối với nhà nước và nhân dân
cũng là nguồn gốc tối cao của quyền lực nhà nước.
Điểm khác biệt giữa dân chủ hiến pháp và dân chủ phi hiến pháp thể hiện ở
chỗ trong một nền dân chủ hiến pháp, nhà nước được tạo dựng dựa trên chủ quyền
của toàn thể nhân dân, vấn đề tổ chức và giới hạn quyền lực nhà nước được quy
định trong hiến pháp. Ngược lại trong một nền dân chủ phi hiến pháp, nhà nước tồn
tại không phụ thuộc vào chủ quyền của toàn thể nhân dân, nhà nước hoạt động theo
các quy tắc đa số, nhà nước làm việc theo ý chí của những người đại diện cho đa số
nắm giữ quyền lực. Thành phần thiểu sổ trong xã hội không thể lường trước được
những gì mà nhà nước sẽ thực hiện bởi vì nhà nước đã phớt lờ họ, điều này dẫn đến
nguy cơ lạm quyền của nhà nước với các nhóm thiểu số.
Trong một nền dân chủ hiến pháp, tất cả quyền lực thuộc về nhân dân, mọi
công dân của đất nước, không chỉ riêng một cá nhân hay một nhóm người nào, đều
19
có quyền và cơ hội tham gia vào đời sống chính trị. Quyền lực của đa số bị giới hạn
bởi các thiết chế và công cụ pháp lý, với mục đích nhằm bảo vệ các quyền cá nhân
và quyền của các nhóm thiểu số khác. Đây là hình thức dân chủ đã được thực hiện ở
nhiều nước như Hoa Kỳ, Đức, Nhật Bản,… [42]
Một số nguyên tắc cơ bản của dân chủ hiến pháp
Chủ quyền nhân dân: Người dân là nguồn gốc tối cao của quyền lực nhà
nước. Nhà nước có được quyền cai trị nhờ vào sự đồng ý của người dân.
Giới hạn quyền lực nhà nước: Để tăng quyền lực cho nhân dân tham gia
quản lý nhà nước, quyền lực nhà nước bị giới hạn bởi pháp luật và hiến pháp (có thể
là hiến pháp thành văn hay bất thành văn). Các thiết chế và công cụ pháp lý để giới
hạn quyền lực nhà nước gồm có: Phân chia, kiểm soát và cân bằng giữa ba nhánh
quyền lực Lập pháp, Hành pháp, Tư pháp; Kế nhiệm lãnh đạo thông qua bầu cử: Có
các cuộc bầu cử cạnh tranh định kỳ để bầu lên các vị trí quan trọng trong chính
quyền. Việc chuyển giao quyền lực giữa hai chính quyền được thực hiện trong hoà
bình và trật tự.
Bảo đảm quyền của cá nhân và quyền của thiểu số: Mặc dù hoạt động theo
nguyên tắc đa số, các quyền cá nhân và quyền của thiểu số vẫn được tôn trọng và
bảo vệ.
Bảo đảm các quyền cơ bản nhất của con người: Bảo vệ các quyền này là
nhiệm vụ quan trọng nhất của một nhà nước. Những quyền cơ bản quan trọng nhất
là quyền sống, quyền tự do và quyền sở hữu tài sản. Đôi khi chúng có thể được mở
rộng thêm một số quyền về kinh tế xã hội khác như quyền có việc làm, quyền chăm
sóc sức khoẻ và quyền được giáo dục,… Đó là những quyền thiết yếu liên quan trực
tiếp đến cuộc sống của một con người. Các tài liệu như Tuyên ngôn quốc tế về
quyền con người, Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em và Hiến chương châu
Phi về quyền con người và nhân dân đã liệt kê và giải thích về các quyền này.
Tự do đóng góp ý kiến và bày tỏ quan điểm: Quyền tự do bày tỏ quan điểm
giúp bảo đảm các hoạt động xã hội diễn ra lành mạnh, tránh các tiêu cực và sai lầm.
Không những vậy, điều này còn đảm bảo sự phát triển toàn diện về nhân cách con
người trong xã hội đó.
20
Quyền riêng tư và xã hội dân sự: Quyền riêng tư của các cá nhân, gia đình, tổ
chức được bảo vệ một cách toàn vẹn. Các hiệp hội và đoàn thể được hoạt động tự
do trong khuôn khổ của hiến pháp mà không bị nhà nước kìm chế hay ép buộc.
Công bằng và công lý: Một nền dân chủ hiến pháp sẽ thúc đẩy công bằng
và công lý trong xã hội. Bao gồm: Công bằng trong phân phối của cải, thu nhập,
lợi ích và gắng nặng của xã hội; Công bằng trong xét xử và trong các hoạt động
tố tụng tư pháp.
Quy trình tố tụng hợp pháp (due process of law): Trong đó các quyền cá
nhân cơ bản như quyền sống, quyền tự do và quyền có tài sản được bảo vệ bởi quy
trình, thủ tục tố tụng nghiêm minh và công bằng.
1.2. Các khía cạnh thể hiện vai trò của Hiến pháp đối với dân chủ
1.2.1. Khế ước xã hội – nguồn gốc của một bản Hiến pháp
Các tư tưởng về khế ước xã hội đã được nhắc đến bởi các học giả Hy Lạp
vào thời kỳ cổ đại nhưng còn mang tính sơ khai. Sau này, quan niệm chính thức về
thuyết khế ước xã hội được đề cập bởi Thomas Hobbes trong tác phẩm nổi tiếng
“Leviathan” – Thủy quái, Hobbes đã khẳng định rằng nếu không có chính phủ thì
xã hội sẽ hỗn loạn và mọi người sẽ trở thành đồi bại và tàn sát lẫn nhau. Chức
năng của chính quyền là ngăn chặn sự tàn sát và dã man. Để xác định nghĩa vụ của
vua cũng như quyền và nghĩa vụ của các thần dân, cần có một bản khế ước xã hội
ngầm [2, tr.21]. Quan niệm ban đầu của Hobbes về khế ước xã hội một mặt đưa ra
một cách luận giải khoa học cho sự hình thành của nhà nước, quyền lực nhà nước
bắt nguồn từ sự chuyển giao quyền tự nhiên của con người. Mặt khác ông cũng biện
minh cho chế độ quân chủ chuyên chế khi cho rằng đó là kết quả từ sự tự nguyện
của người dân để đổi lấy một xã hội trật tự và ổn định.
Thuyết khế ước xã hội tiếp tục được củng cố và phát triển qua các lý thuyết
của hai đại diện tiêu biểu là John Locke và Jean-Jacques Rousseau. Rousseau là
người đã hoàn thiện lý luận về khế ước xã hội qua tác phẩm nổi tiếng “Du Contrat
Social” – Khế ước xã hội. Theo đó, con người ban đầu sống trong trại thái tự nhiên
với tự do vô hạn, sự tự do ấy đi kèm với sự hỗn hoạn và vô trật tự. Để xây dựng